Đổi thay ở vùng “cây gạo kháng chiến”
- Thứ tư - 22/01/2020 18:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không chỉ có vậy, Đông Anh còn có nhiềudi tích lịch sử văn hóa, cách mạng, ghi dấu ấn một thời oanh liệt của chính quyền và nhân dân nơi đây trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước. Cây gạo ngã ba sông Đuống (làng Xuân Trạch) được người dân nơi đây đặt tên là “cây gạo kháng chiến”, nơi chứng kiến thăng trầm lịch sử của địa phương.
Nơi đặt hòm thư “bí mật” trong kháng chiến chống Pháp
Tìm về cây gạo, nơi bắt đầu của con sông Đuống, không khó lắm, chỉ cần đi qua cầu Đông Trù vòng xuống bên phải men theo con đê như một dải lụa mềm uốn theo dòng nước và những ngôi làng trù phú là đến nơi.
Cây gạo cổ thụ ngày xưa tuy không còn, nhưng được nhân dân ở đây thay bằng cây gạo khác. Tuy nhiên, những câu chuyện về cây gạo cổ thụthì nhiều cao niên trong làng có thể kể rành mạch về nó.
Ông Nguyễn Văn Ngọ, 85 tuổi, người làng Xuân Canh, nhà ở rất gần cây gạo kể cho chúng tôi nghe về cây gạo cổ thụ này.
Làng Xuân Trạch thuộc xã Xuân Canh có vị trí địa lý rất quan trọng, đây là điểm bắt đầu của sông Đuống, ngày xưa gọi là sông Thiên Đức. Sông Đuống là chi lưu của sông Hồng, nhưng là phụ lưu của sông Thái Bình, ở tại ngã ba này có một cây gạo cổ thụ rất lâu đời.
Trong những năm đầu của Cách mạng Tháng Tám (1945) và kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, Xuân Canh là một trong những địa phương sớm đón nhận ánh sáng cách mạng gắn với công sức gây dựng của đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, nguyên Chủ tịch UBT.ƯMTTQ Việt Nam, Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vào năm 1941, địch tập trung khủng bố gắt gao vùng Đình Bảng, để tránh bị địch lùng bắt, đồng chí Lê Quang Đạo phải dời quê đến nhà cụ Đồ Trịnh - là mẹ nuôi hồi nhỏ - đang ngụ tại Bến đò Xuân Trạch, từ đây nhà cụ Đồ Trịnh trở thành cơ sở cách mạng. Một số cán bộ là giao liên Xứ ủy đã đến để đưa thư, trao đổi công việc hoặc tránh sự truy lùng của địch.
Trong những ngày làm việc tại đây, đồng chí Lê Quang Đạo đã làm quen và tuyên truyền vận động một số thanh niên địa phương tham gia hoạt động cách mạng. Do vậy, các hào lý ở địa phương nghi ngờ về người lạ mặt đến nhà cụ Đồ Trịnh. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Quang Đạo đã rút khỏi nhà cụ Đồ Trịnh. Dù cơ sở cách mạng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng nhà cụ Đồ Trịnh ở xóm Bến - Xuân Trạch có vị trí rất quan trọng: Là một trong hai đầu mối đầu tiên của phong trào cách mạng của xã Xuân Canh. Cây gạo cổ tại bến đò Xuân Trạch là địa điểm quan sát báo tin của các đồng chí quân báo của cách mạng, một hộp thư bí mật được xây dựng dưới gốc cây gạo để trao đổi thông tin, chỉ đạo của cách mạng từ trong nội thành ra bên ngoài vùng tự do.
Ông Ngọ cho biết, vào cuối năm 2017, do ảnh hưởng của thiên tai, cây gạo bị chết. Để ghi nhớ công ơn và thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, gia đình ông Chu Đình Huế, người con của quê hương, xã Xuân Canh đã trồng một cây gạo mới thay thế, viết tiếp trang sử mới cho nhân dân Xuân Canh trong những giai đoạn tiếp theo.
Chuyển xã thành phường vào năm 2025
Ông Hoàng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Canh, cho biết, cuộc sống của người nông dân xã Xuân Canh ngày càng được nâng cao, bà con không còn làm nông nghiệp theo kiểu thuần nông nữa. Ngoài việc trồng lúa, rau màu, nhiều gia đình đã chuyển sang trồng cây ăn quả để có thu nhập cao hơn.
Theo ông Nhạ, một trong những lựa chọn mà nông dân xã đang thực hiện là trồng cam. Toàn xã hiện có 23ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã cho thu hoạch. Dự kiến sản lượng cam Xuân Canh năm nay đạt khoảng 250 tấn, tăng 20% so với năm ngoái, mang lại thu nhập bình quân lên tới 500 triệu đồng/hộ”.
Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Xuân Canh. Đây là bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.
Đồng thời, huyện đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Đã có hơn 10.000 cây được gắn mã vạch.
“Việc gắn mã truy xuất nguồn gốc là bước đi quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của cam Xuân Canh trên thị trường. Thực tế thấy, thị trường ngày càng yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của nông sản và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực thực phẩm. Vì thế, huyện tuyên truyền bà con nông dân phải chú trọng việc này”, ông Linh nói.
Ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Xuân Canh tăng 11,8%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,87%, tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hoá chiếm 94,93%. Qua rà soát mức độ phát triển đô thị, kinh tế - xã hội, so sánh với tiêu chuẩn của phường, Xuân Canh đạt 10/15 tiêu chí; còn 5 tiêu chí chưa đạt, bao gồm: Cân đối thu chi ngân sách; Đất công trình giáo dục mầm non và phổ thông cơ sở; Diện tích đất giao thông tính trên dân số; Mật độ đường cống thoát nước chính; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật. Để duy trì các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong thời gian sớm nhất, Xuân Canh đề ra mục tiêu và giải pháp cụ thể để chuyển xã thành phường vào năm 2025.
Theo Ngọc Thủy/kinhtenongthon.vn