Đổi thay từ chính sách giảm nghèo ở tỉnh Bắc Cạn
- Thứ hai - 22/10/2018 19:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sức sống mới từ những thôn, bản nghèo
Trong chuyến công tác mới đây cùng Văn phòng giảm nghèo Quốc gia đi đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo, phóng viên có dịp về xã Kim Lư (Na Rì, Bắc Cạn). Kim Lư là xã miền núi, có đông người dân tộc thiểu số sinh sống thuộc hộ nghèo. Trước năm 2015, toàn xã có 13 thôn thì có tới 11 thôn thuộc diện hộ nghèo. Trong quá trình thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số miền núi, xã Kim Lư được đầu tư phương tiện sản xuất, cơ sở hạ tầng.
Nhờ được đầu tư, sử dụng đúng mục đích phương tiện sản xuất mà từ đó đến nay đời sống của nhân dân trong xã đã được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% (năm 2013) xuống còn 9,8% (năm 2018). Các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt, nhiều công trình do xã làm chủ đầu tư đều gắn sát với nguyện vọng của người dân.
Bà Hoàng Thị Hải Sâm, Trưởng thôn Nà Đon (xã Kim Lư, huyện Na Rì, Bắc Cạn) cho biết: “Sau khi được Nhà nước đầu tư hỗ trợ sản xuất, cơ sở hạ tầng, đời sống của bà con trong thôn đã được cải thiện rõ rệt, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giả. Vui nhất là nay bà con có công ăn việc làm, các cháu được đến trường”.
Về thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư không ai là không biết gia đình ông Hoàng Văn Khang (dân tộc Nùng) với nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Những năm 2015-2016 gia đình ông là hộ cận nghèo, nhưng nhờ biết đầu tư sản xuất, mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất nên hiện nay ông đã thoát nghèo. Ông Khang Kể: “Mấy năm trước đây gia đình chỉ cấy lúa, nhưng từ khi được vay vốn gia đình đã chuyển đổi sản xuất sang chăn nuôi lợn, trồng cam quýt, nuôi cá... Từ chỗ thiếu ăn, khó khăn, hiện nay gia đình tôi đã vươn lên để làm giàu. Mỗi năm mô hình kinh tế này cũng mang về cho gia đình tôi khoảng 300 triệu đồng”.
Ông Lâm Văn Tinh, Bí thư Đảng ủy xã Kim Lư cho biết, nhờ nỗ lực này mà giờ đây Kim Lư là một trong 21 xã trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tính đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Kim Lư đã giảm xuống còn 10%. “Có được kết quả này, thời gian vừa qua Đảng ủy đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã, từ đó đưa cán bộ hỗ trợ từng thôn, bản, từng người nghèo. Hiện tại, người nghèo trong thôn, xã đã được tiếp cận các dự án hỗ trợ sản xuất, cây giống cho năng suất cao... cải thiện việc làm và thu nhập. Nhờ vậy mà chất lượng cuộc sống trong thôn, xã cũng được nâng lên”, Ông Tinh thông tin.
Toàn huyện Ba Bể có 16 xã, thị trấn, với 206 thôn, bản và đến nay về cơ bản tất cả các xã đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trước đây là 34,04% nhưng đến năm 2017 giảm chỉ còn 28,28%. Tương tự, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng giảm mạnh. Là một trong tám huyện thoát nghèo của cả nước, ngoài việc tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư, huyện Ba Bể đã tận dụng phát huy được các ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh của địa phương.
Chủ trương “hỗ trợ có điều kiện” phát huy tác dụng
Những thành công trong công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Na Rì và huyện Ba Bể (Bắc Cạn) đã chứng minh một thực tế, việc thay đổi cách tiếp cận trong các chính sách giảm nghèo từ việc cho không tới hỗ trợ có điều kiện đang phát huy tác dụng mạnh mẽ.
Ông Lưu Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, từ khi thay đổi cách tiếp cận giảm nghèo, người nghèo trên địa bàn huyện đã không còn ỉ lại trông chờ chính sách hỗ trợ. Nhiều người ý thức được việc từ nay sẽ không được “cho không” cân gạo, gói mì chính hay chai dầu ăn nữa... mà thay vào đó, họ đã ý thức được phải nỗ lực tự làm, tự ăn. “Nhờ vậy, nhiều người nghèo đã mạnh dạn vay vốn, học nghề, thay đổi phương thức sản xuất. Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, chỉ cấy cày vài sào ruộng, giờ đây người dân đã chuyển sang làm mô hình trang trại, kết hợp sản xuất vườn – ao – chuồng. Nhiều hộ còn mạnh dạn liên kết tạo ra các HTX sản xuất, nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết, thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và tầng lớp dân cư, đặc biệt là khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện gắn kết chương trình giảm nghèo song song với thực hiện chương trình nông thôn mới, từ đó tăng cơ hội thụ hưởng chính sách của người nghèo. Huyện cũng quán triệt việc thực hiện kiểm tra, giám sát các chương trình giảm nghèo tại địa phương nhằm bảo đảm tất cả người nghèo đều được thụ hưởng chính sách.
Nhờ nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các địa phương trong cả nước mà tỷ lệ hộ nghèo đã giảm khá nhanh và bền vững. Nếu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 9,88%, thì đến cuối năm 2017 chỉ còn 6,7%, giảm bình quân 1,59%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 5,43%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.
Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH) cho biết, trong hai năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, giám sát chặt chẽ của QH cũng như nỗ lực của các địa phương và chính người nghèo, chúng ta thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo được QH đề ra. Bình quân mỗi năm chúng ta giảm được 1,59% số hộ nghèo, tỷ lệ tái nghèo chỉ khoảng 5,1% thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đặc biệt, bộ mặt người nghèo, xã nghèo, huyện nghèo đã được cải thiện rõ nét. Hiện nay đã có tám huyện 30A thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, chúng ta cũng có 38 xã trong diện 135, bãi ngang ven biển đạt tiêu chí nông thôn mới, có hàng triệu hộ nghèo đã thoát nghèo.
“Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định kết quả giảm nghèo từ người nghèo, xã nghèo, huyện nghèo chứng minh chủ trương đúng đắn trong việc đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, không tạo tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, từ đó khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo”, ông Thi khẳng định.