“Đòn bẩy” công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp

Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Unifarm ở xã An Thái, huyện Phú Giáo (Bình Dương). Ảnh: AN HIẾU (TTXVN) Font Size:     |

Bài 2: Tạo cơ chế chính sách, triển khai đồng bộ

Qua tìm hiểu thực tế triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại một số địa phương cho thấy, đã và đang có hàng nghìn mô hình NNCNC ra đời trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế và nhà khoa học cho rằng, đầu tư cho NNCNC không nên làm theo phong trào, mà cần sự đồng bộ và có kế hoạch, nhất là cải cách thể chế, trong đó có nới lỏng chính sách hạn điền, vốn đầu tư…

 

Xóa bỏ rào cản

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường từng chia sẻ, Nhà nước phải có vai trò tư vấn số liệu, định hướng, cung cấp thông tin thị trường, “trải thảm đỏ” về vốn, đồng thời với việc xóa bỏ các rào cản về thủ tục hành chính cản chân doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai đề án phát triển NNCNC. PGS, TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, để phát triển NNCNC, trước hết phải có vốn lớn đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động…, để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình NNCNC, cần khoảng 140 đến 150 tỷ đồng; 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của I-xra-en cần ít nhất từ 10 đến 15 tỷ đồng.

Dù là ngành hàng mũi nhọn mang lại thu nhập chủ yếu cho ngành nông nghiệp tại địa phương, nhưng khi được hỏi về các mô hình hoa công nghệ cao (CNC) ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Phó Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông Lê Thị Băng Tuyền cho biết: Ở đây, nhà nào có nhà màng, nhà lưới, hệ thống phun sương, tưới nước tự động thì đã được coi là trồng hoa theo CNC. Tuy nhiên những hộ làm được như vậy chưa nhiều, vì chi phí đầu tư lớn. Cái khó bó cái khôn, ai cũng biết nếu làm được hệ thống che chắn, bảo vệ thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, giá bán sẽ cao, nhưng không có vốn thì đành chịu.

Ông Nguyễn Văn Bình Em (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) chia sẻ: Trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, gia đình trồng các loại hoa hồng, cát tường, ly. Tuy nhiên, từ tháng 10 âm đến Tết Nguyên đán, mưa trái mùa diễn ra liên tục, khiến hoa bị ngậm nước nặng nề và bị gãy giập nhiều. Vừa rồi, gia đình tôi đầu tư làm 400 m2 nhà màng, dù đã tự bỏ công, mua vật liệu trong nước, nhưng chi phí lên tới cả trăm triệu đồng,…

Thiếu vốn khiến việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng vai trò, tiềm năng là một rào cản không nhỏ đối với phát triển NNCNC ở nước ta. Để gỡ khó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng để tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp. Hiện gói tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại lên kế hoạch giải ngân.

Tạo cơ chế chính sách

Những năm gần đây, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng CNC thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Đáng nói là, hệ thống đường giao thông nông thôn và các cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Điều này đã và đang là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển NNCNC ở các khu vực có hạ tầng nông thôn kém phát triển.

Nhà lưới trồng rau của Công ty VinEnco tại Khu nông nghiệp công nghệ cao xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Thực tế, tại tỉnh Hà Nam, nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cho nên tỉnh đã nhanh chóng trở thành địa chỉ thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nam kiêm Trưởng ban Quản lý khu NNCNC tỉnh Hà Nam cho biết, hiện tỉnh đang khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng CNC có quy mô lớn, trở thành hạt nhân, dẫn dắt các vùng chung quanh phát triển. Các hộ dân, tổ hợp tác xã kiểu mới tích tụ để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Phấn đấu năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha được tích tụ, bình quân mỗi xã có ít nhất một mô hình quy mô từ 10 ha trở lên, sản xuất nông sản làm vệ tinh cho các doanh nghiệp có thương hiệu.

Ngoài chính sách về nới lỏng hạn điền, vấn đề đầu tư nghiên cứu khoa học, con người cũng không kém phần quan trọng, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược (Bộ NN và PTNT) cho rằng, NNCNC ở Việt Nam hiện nay mới chỉ xuất hiện ở một số doanh nghiệp lớn, trên quy mô nhỏ và ở một vài địa bàn nhất định. Phần lớn những điển hình tiên tiến về ứng dụng CNC trong nông nghiệp hiện nay là mua công nghệ từ các nước, theo kiểu mua đứt bán đoạn, cho nên rất khó để nghiên cứu nâng cao và phát triển thêm. Chưa kể, cơ chế nghiên cứu còn bộc lộ tính quan liêu, bao cấp; hệ thống nghiên cứu, quản lý, thiết bị lỗi thời; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, không thu hút được trí thức về nông thôn. Muốn bền vững phải có sự nghiên cứu mạnh mẽ hoặc có sự liên kết các cơ quan chuyên môn.

Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường cho rằng, nhà khoa học giữ vai trò quan trọng, quyết định sự thành công cho các nhà đầu tư NNCNC. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải quy hoạch, định hướng đối tượng đầu tư, vùng đầu tư, nghiên cứu các giải pháp khoa học phù hợp và chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ cho doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, chuyển giao sản xuất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC có hiệu quả, như: canh tác cà-phê ở Đác Lắc; trồng các giống cam V2, cam CS1 ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lương Sơn (Hòa Bình); trồng Thanh Long ở Bình Thuận, chuối tiêu Hồng ở Hưng Yên,dứa ở Đồng Giao (Ninh Bình); rau ở Văn Đức, Gia Lâm và Vân Nội, Đông Anh (Hà Nội); mô hình trồng 200 ha hoa lily ở Từ Liêm và Đan Phượng (Hà Nội); hoa lan hồ điệp ở một số tỉnh, thành phố phía bắc… cho hiệu quả kinh tế từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt có những mô hình cho doanh thu 3,5 đến 4 tỷ đồng/ha/năm.

Từ những mô hình ứng dụng NNCNC hiệu quả cho thấy, thúc đẩy ứng dụng CNC là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp. Sản phẩm của NNCNC đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường, đem lại thu nhập cao cho doanh nghiệp, nông dân. Nếu các giải pháp nêu trên được thực hiện đồng bộ, thì một nền NNCNC sẽ hiện hữu trong tương lai không xa.

Hiện, cả nước chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm khoảng 65%. Tính đến tháng 12-2016, có khoảng hơn 600 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn khoảng 4,5 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 12-4-2017.

 

 

NGỌC SƠN, CHÍ VỊNH và BẢO PHƯƠNG
http://www.nhandan.com.vn