"Đòn bẩy" thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 05/09/2018 06:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đầu tư hàng nghìn tỉ đồng
Sau khi EVN được giao thực hiện tiêu chí số 4 trong chương trình xây dựng NTM, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, các công ty điện lực thuộc EVN đã tiến hành đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn; lắp đặt mới công tơ đo đếm điện… ở tất cả các khu vực nông thôn trên cả nước. Diện mạo lưới điện nông thôn từng bước thay đổi đáng kể.
Kiểm tra lưới điện tại bản Nà Giòn, xã Mường Cai (Sông Mã, Sơn La) |
Những năm qua, các công ty điện lực đã huy động hàng nghìn tỉ đồng đầu tư nhằm cấp điện cho các hộ dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo. EVN đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện địa phương không đủ năng lực. Đến cuối năm 2017, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và trực tiếp bán điện tới gần 6.000 xã, với hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện của các xã sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, EVN đã quản lý, bán điện tại 11/12 huyện đảo, cấp điện ổn định, liên tục 24/24h, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện của người dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và trật tự xã hội. Từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, EVN đã bù lỗ gần 1.500 tỉ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã (chiếm 34,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng ngành điện đã tạo điều kiện giúp 7.006/8.926 xã (chiếm 78,5%) đạt tiêu chí số 4 trong xây dựng NTM.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trần Thanh Nam cho biết: Khi có sự đầu tư của EVN, diện mạo lưới điện nông thôn mới đã thay đổi rất nhiều. Người dân được sử dụng điện an toàn, ổn định, theo giá bán điện do Chính phủ quy định. Đồng thời, EVN cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về sử dụng điện an toàn và hiệu quả. Ban Chỉ đạo NTM đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực của EVN trong thực hiện chương trình này.
EVN đặt mục tiêu đến năm 2020: Về cơ bản các hộ dân trên cả nước đều có điện và số xã đạt tiêu chí số 4 chiếm 95%. Để đạt được mục tiêu này, EVN tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn; đưa điện về những hộ dân nông thôn chưa có điện. Ngoài ra, các công ty điện lực phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo NTM và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nắm vững quy hoạch kết cấu hạ tầng của địa phương, từ đó, đầu tư lưới điện hợp lý.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, để tiêu chí số 4 sớm cán đích, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề nghị các cấp chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực chung tay như: Đóng góp phần đền bù; tự giải phóng mặt bằng cho các công trình điện; tham gia thực hiện và bảo vệ hành lang lưới điện, các công trình điện; đầu tư hệ thống điện gia đình sau công tơ bảo đảm an toàn.
Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để các công ty điện lực tiếp cận các nguồn vốn, nhằm thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn. Đối với các khu vực cần vốn đầu tư để thực hiện các dự án điện cấp bách, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố dành một phần ngân sách cũng như huy động các nguồn lực khác, phối hợp chặt chẽ với ngành điện để triển khai.
Ngoài ra, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố cần tích cực hỗ trợ, thúc đẩy việc bàn giao lưới điện nông thôn từ các tổ chức điện nông thôn cho các đơn vị điện lực để có thể thực hiện đầu tư một cách nhanh nhất vào phát triển lưới điện khu vực nông thôn.
Theo Petrotimes