Dồn điền đổi thửa - Khâu đột phá trong xây dựng NTM ở Hà Nội

Dồn điền đổi thửa - Khâu đột phá trong xây dựng NTM ở Hà Nội
Hiện nay, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM), với 121/401 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số hộ nghèo toàn thành phố còn 34.409 hộ, giảm 81.694 hộ so với năm 2011 (116.057 hộ); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,91%, giảm 5,61% so với năm 2011 (7,52%).

 

Để có được thành tựu trên, Thành ủy cũng như HĐND và UBND TP Hà Nội có rất nhiều giải pháp, kế hoạch, chương trình… nhằm cụ thể hóa Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nên những vùng chuyên canh lớn được coi là khâu đột phá trong xây dựng NTM của Hà Nội.

Nhiều vùng chuyên canh ra đời

Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02/CTr-TU cho biết, công tác DĐĐT của thành phố đến nay đã được 75.965,3/76.365,07 ha (bằng 99,48% kế hoạch). Một số huyện dồn được diện tích lớn như Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai…


Nhờ việc dồn điền đổi thửa mà bà con có thể ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Sau khi DĐĐT, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí NTM. Nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa. Đồng thời, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao ra đời như: Mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh; mô hình cây ăn quả quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai…; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa…

Bên cạnh đó, trong phát triển nông nghiệp có nhiều tiến bộ, cơ cấu chuyển dịch ngành theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng nhanh, năm 2014 đạt 231 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh; cùng với đó, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành. Việc nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi được Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ. Hà Nội đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu người dân; một số sản phẩm đã tiếp cận được thị trường rộng rãi trong nước và hướng tới xuất khẩu như lúa chất lượng cao, sữa tươi, quả đặc sản, rau an toàn, hoa cây cảnh…

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội đã có 121/401 xã đạt chuẩn NTM (đạt 30,17%) đã đạt được 75,15% chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội khóa 15 (cho đến 2015 có 40% tương đương 161 xã của thành phố đạt chuẩn NTM); nếu không tính huyện Từ Liêm thì có 109/386 xã đạt chuẩn NTM. Trong 4 năm qua, ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể cùng toàn thể nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới - đây được coi là nguồn lực lớn đầu tư thông qua các dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn và giải quyết an sinh xã hội nông thôn…

Theo mục tiêu mà Ban chỉ đạo đưa ra, thì trong 2015, Hà Nội sẽ có thêm 55 xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn NTM. Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 1,5-2%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 233 triệu đồng/ha…

Tăng thu nhập trung bình cho người dân

Sau khi triển khai Chương trình NTM ở Hà Nội, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2014 đạt 28,6 triệu đồng/người, tăng 14,6 triệu đồng so với năm 2011 (đạt 14 triệu đồng/người/năm); nông thôn không còn nhà dột nát, số nhà kiên cố và khang trang tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm giá tích cực từ 11,25% năm 2011 xuống còn 2,89% cuối năm 2014… Tỷ lệ thôn làng đã có văn hóa với các thiết bị thiết yếu phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, thể thao.

Cùng với việc tập trung hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở xã, nhiều xã đã huy động nhân dân đóng góp xây mới xây mới hoặc cải tạo nhà văn hóa thôn, trùng tu, tôn tạo các công trình văn hóa, tinh thần của người dân. Đặc biệt, một số huyện như Phú Xuyên, Đan Phượng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện hoàn thành đề án xây dựng Quy ước nông thôn mới. Nhiều xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, lễ hội, đẩy lùi tệ nạn cờ bạc, rượu chè, mại dâm như Liên Hà (Đông Anh), Yên Sở (Hoài Đức), hiện nay hầu hết đám cưới được tổ chức theo nếp sống đơn giản, gọn nhẹ…

Tuy vậy, đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, không ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn…

Trong mục tiêu cụ thể năm 2015, Hà Nội phấn đấu có thêm 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 1,5 - 2%/năm trở lên. Thu nhập khu vực nông thôn phấn đấu đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 2%.

Ngọc Hà
Theo baoxaydung.com.vn