Dồn điền đổi thửa: Một số kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định

Dồn điền đổi thửa: Một số kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định
Nam Định đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới với nhiều thành tựu đáng khích lệ; trong đó, công tác dồn điền, đổi thửa được coi là một bước đột phá của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
 

 
   Đồng chí Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Nam Định
           kiểm tra vùng quy hoạch chuyển đổi. Ảnh: nhandan.com.vn


Mục đích của việc dồn điền, đổi thửa là khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; quy hoạch gọn quỹ đất công vào một vùng, đặc biệt là quỹ đất để thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; làm cơ sở cho việc lập hồ sơ cho thuê đất công theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, sử dụng đất công hợp lý, chặt chẽ, có hiệu quả, tăng thu cho ngân sách xã. Ngoài ra, thông qua dồn điền, đổi thửa sẽ hoàn chỉnh lại hệ thống hồ sơ địa chính nhằm "nắm chắc, quản chặt" toàn bộ quỹ đất nông nghiệp ở từng xã, thị trấn.

Để đạt được mục đích đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện đồng thời nhiều nội dung liên quan đến việc quy hoạch đất, bao gồm: Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới), trong đó hoạch định từng loại đất theo các nhu cầu sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; khoanh vùng và định ra hệ số để đổi ruộng (do nông dân tự bàn bạc và quyết định); dồn đổi lại quỹ đất công nhỏ lẻ ở các thửa đất trước đây thành từng vùng tập trung; xây dựng, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa; hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, bảo đảm không để tình trạng ruộng đất không có hồ sơ địa chính hoặc hồ sơ không phù hợp với thực tế sau dồn điền, đổi thửa.

Đến tháng 7/2013, trên toàn tỉnh đã có 199/200 xã (99,5%) triển khai công tác dồn điền, đổi thửa; trong đó có 149 xã (74,9%), 2.622 thôn, xóm đã hoàn thành, giao đất canh tác lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất. 6 huyện thực hiện xong việc giao đất ngoài thực địa ở các thôn, xóm là: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Vụ Bản và Xuân Trường. Các địa phương đều quyết tâm, tập trung làm tốt việc tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện dồn điền, đổi thửa và vận động các hộ dân góp đất (10 - 15m2/sào), hàng chục nghìn ngày công, kinh phí (từ 150.000 đến 200.000 đồng/sào), huy động hàng trăm máy xúc, đào đắp hệ thống đường từ đồng về nhà và thủy lợi nội đồng kết hợp chỉnh trang đồng ruộng. 

Kết quả của công tác dồn điền, đổi thửa ở các xã đã giao đất tại thực địa cơ bản đạt yêu cầu, cụ thể là: Đã dồn gọn được quỹ đất công; giảm số thửa bình quân (từ 3,27 thửa/hộ xuống còn 1,5- 2,5 thửa/hộ); nhiều xã đạt 75 - 80% số hộ chỉ còn 1 thửa. Trong quá trình dồn điền, đổi thửa, nông dân đã tự nguyện đóng góp hơn 2.361 ha đất (trị giá 4.723 tỷ đồng), hàng trăm nghìn ngày công đào đắp hơn 5.319 km đường giao thông và kênh mương nội đồng, trong đó có gần 700 km kênh mương được “cứng hóa" và xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông thôn đáp ứng yêu cầu của phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau dồn điền, đổi thửa, trên hầu khắp các cánh đồng của Nam Định đã có khoảng 14.000 phương tiện cơ giới từ máy làm đất đến công cụ gieo thẳng được đưa vào sử dụng. Theo đó, 100% diện tích đất được làm bằng máy; gần 16% diện tích được gieo thẳng... Toàn tỉnh đã xây dựng 136 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích gần 3.000 ha, 9 mô hình sản xuất khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu; đồng thời xây dựng được 366 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mở ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đặc biệt, vụ Xuân năm 2013, năng suất lúa đạt gần 70 tạ/ha. Với kết quả này, Nam Định tiếp tục là một trong những tỉnh đứng đầu về sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, thông qua công tác dồn điền, đổi thửa, các xã đều quy gọn quỹ đất công vào một nơi, tạo nguồn quỹ "đất sạch” để thu hút các doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn. Đã có hơn 100 doanh nghiệp đầu tư vào Nam Định với nguồn vốn khoảng 700 tỷ đồng (chiếm 14,3% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới) để xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại cơ cấu lao động, tích tụ ruộng đất và tiêu thụ nông sản. 

Trong quá trình dồn điền, đổi thửa, tại Nam Định đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. 

Để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, xã Giao Hà (huyện Giao Thủy) đã tiến hành làm lại toàn bộ hệ thống đường ra đồng, thủy lợi nội đồng. Hệ thống này giúp cho các phương tiện cơ giới phục vụ cho sản xuất có thể đến được mọi xứ đồng và việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện. Đặc biệt, ở xã Giao Hà, người dân không phải dùng đến giải pháp "bốc thăm" để nhận ruộng, bởi các cán bộ, đảng viên đều tự nguyện nhận ruộng xa, nhường ruộng gần và tốt cho bà con. Chính công tác dồn điền, đổi thửa đã phát huy tình làng, nghĩa xóm, khiến cho người dân gần gũi với nhau hơn.

Do làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa nên việc xây dựng nông thôn mới ở Nam Định đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 96 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 đã có 74 xã đạt chuẩn, 22 xã cơ bản đạt chuẩn; trong đó, huyện Hải Hậu đạt chuẩn huyện nông thôn mới. 

Nam Định được Trung ương đánh giá là 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,1%/năm. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 940 nghìn tấn. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác tăng từ 75,6 triệu đồng/ha năm 2010, lên 100 triệu đồng/ha năm 2015. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại các vùng nông thôn được nâng lên đáng kể.

Để đạt được những kết quả trên, chính là do quyết tâm cao độ trong việc lấy dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá trong quá trình thực hiện Chương trình  xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định. Không những thế, phương châm của dồn điền, đổi thửa nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung của Nam Định là: “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ’’, cùng với bước đi "Làm từ đồng ruộng về làng; làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm; làm từ thôn, xóm lên xã; các xã chủ trì xây dựng các công trình chính của xã; các thôn, xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm... Lấy thôn, xóm làm cơ sở và lấy hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới" đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt tới mục tiêu: Từ năm 2016, hàng năm, toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2020, tỉnh Nam Định có tối thiểu 80% số xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; 80% số huyện, thành phố đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; tỉnh Nam Định đạt chuẩn quốc gia tỉnh nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đó, Nam Định vẫn luôn xác định dồn điền, đổi thửa chính là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới./.

Theo: dangcongsan.vn