Dồn sức cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới

Dồn sức cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới
Qua 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 9,59 tiêu chí/xã, tăng 3,04 tiêu chí so với năm 2015. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 50% số xã đạt 10 tiêu chí trở lên về nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã, có 35 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.

Người dân bản Nà Tòng, xã Mường Chùm (Mường La) ghép cải tạo giống xoài địa phương.

 

Năm 2018, toàn tỉnh có 10 xã ký cam kết với UBND tỉnh về đích nông thôn mới. Hiện, các địa phương đang rà soát lại các tiêu chí, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn lại, bảo đảm cán đích đúng kế hoạch.

 

10 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2018 gồm: xã Hua La (Thành phố), Mường Chùm (Mường La), Hát Lót, Mường Bon (Mai Sơn), Pá Ma Pa Khinh (Quỳnh Nhai); Huy Hạ (Phù Yên); Phiêng Luông, Đông Sang (Mộc Châu); Viêng Lán (Yên Châu), Mường Khoa (Bắc Yên). Cùng với tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực của tỉnh cho các xã đăng ký, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã phối hợp với các xã rà soát đánh giá các tiêu chí. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành; huyện, thành phố trong việc hướng dẫn, thẩm tra, thẩm định đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Theo đó, tỉnh cũng ưu tiên dành vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, xã, trường học, y tế. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các xã thực hiện hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phân bổ 355,2 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các huyện, thành phố và các sở, ngành để thực hiện Chương trình. Toàn tỉnh đã thi công 324 công trình chuyển tiếp và công trình khởi công mới; cứng hóa 437 tuyến đường giao thông dài 69,9 km; trồng mới 2.243 ha cây ăn quả...

 

Là 1 trong các xã ký cam kết với UBND tỉnh về đích nông thôn mới trong năm nay, xã Mường Khoa (Bắc Yên) đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân. Ông Lừ Văn Hòa, Bí thư đảng ủy xã cho biết: Đến hết tháng 8, xã đã đạt 16/19 tiêu chí, 46/49 chỉ tiêu. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cũng làm, từ năm 2017 đến nay, xã đã vận động nhân dân đóng góp 1,9 tỷ đồng mua cát sỏi, gần 2.000 ngày công lao động để bê tông 7 tuyến đường vào khu sản xuất dài 4,3 km. Hiện, trên 97% đường trục bản, liên bản và 100% đường ngõ xóm của xã được kiên cố hóa. Đối với tiêu chí thu nhập, xã đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện hỗ trợ nhân dân vay vốn phát triển sản xuất; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thu nhập bình quân của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm.

 

Đến thời điểm này, 10 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2018 đã đạt từ 15-17 tiêu chí. Nhìn chung, các xã gặp khó khăn trong thực hiện các tiêu chí: môi trường và an toàn thực phẩm, thu nhập, giao thông, trường học... Vì vậy, nhiều giải pháp đã được các địa phương đồng loạt triển khai như: tuyên truyền, vận động nhân dân đưa gia súc ra khỏi gầm sàn; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội khảo sát nhu cầu, giải ngân vốn vay xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; vận động các hộ gia đình xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp ủ phân hữu cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hằng tháng, phân công quét dọn môi trường xung quanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đối với các tiêu chí cần đầu tư nguồn lực như giao thông, trường học cũng đang được các xã huy động nguồn lực tại chỗ và bên ngoài để tập trung hoàn thành.

 

Để giúp các xã về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tại các xã đăng ký, chỉ đạo huyện, xã xây dựng kế hoạch, biện pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng của xã. Quan tâm sửa chữa các công trình giao thông đang xuống cấp và hệ thống nước sinh hoạt cho nhân dân; tập trung phát triển cây ăn quả theo hình thức liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, lưu ý phát triển các sản phẩm đủ lớn mang tính chất đặc thù của địa phương...

 

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2018, các xã điểm nằm trong lộ trình phấn đấu về đích nông thôn mới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác, tự chủ của người dân. Đồng thời, cân đối các nguồn lực, làm rõ nhu cầu vốn cho từng công trình, dự án; hoàn thành các tiêu chí để công bố các xã đạt chuẩn nông thôn mới đúng lộ trình.