Dồn sức cho tiêu chí quan trọng, bức xúc

Dồn sức cho tiêu chí quan trọng, bức xúc
Sau khi hoàn tất công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới (XDNTM), 36 xã trên địa bàn thành phố đã bắt tay thực hiện 20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Năm 2012 vừa qua, các xã XDNTM đạt thêm từ 1-5 tiêu chí. Riêng 2 xã điểm của thành phố đã đạt mốc 19/20 tiêu chí. Như vậy, trong khi 2 xã điểm của thành phố đang tiến dần "về đích" thì 34 xã còn lại cũng đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành các tiêu chí...

* Nhìn lại một chặng đường

Bộ Tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới do Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM ban hành gồm 19 tiêu chí, chia thành 5 nhóm: về quy hoạch, hạ tầng kinh tế-xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa-xã hội-môi trường và hệ thống chính trị. Đây là cơ sở giúp các tỉnh, thành triển khai thực hiện và đánh giá công tác XDNTM của từng địa phương. Ở TP Cần Thơ, để phù hợp với tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo thành phố) đã tham mưu UBND thành phố ra Quyết định số 3589/QĐ-BCĐXDNTM ban hành Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM gồm 20 tiêu chí (bổ sung thêm tiêu chí về cung ứng dịch vụ công). Để từng bước hoàn thành bộ tiêu chí này, Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo cấp huyện, xã đưa chương trình XDNTM vào kế hoạch hàng năm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đồng thời, yêu cầu các xã tăng cường bám sát địa bàn, nắm rõ tình hình thực tế, từ đó đề ra giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện các tiêu chí.

 

Các xã XDNTM trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập cho người nông dân. 

Chặng đường XDNTM 2 năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho biết: "Giai đoạn 2010-2011, TP Cần Thơ tập trung hình thành Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các nội dung về XDNTM; khảo sát, đánh giá thực trạng theo 20 tiêu chí… Sang năm 2012, các xã đã bắt tay vào thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Năm 2013, trên cơ sở rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa được, thành phố tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế; phát huy nội lực trong dân để hoàn thành 20 tiêu chí. Theo Ban chỉ đạo thành phố, năm qua, TP Cần Thơ có 3 xã tăng 4-5 tiêu chí, 8 xã tăng 3 tiêu chí, 13 xã tăng 2 tiêu chí và 6 xã tăng 1 tiêu chí. Với kết quả này, hiện Cần Thơ có 3 xã đạt từ 14 đến 19 tiêu chí, 12 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí, 16 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Riêng 2 xã điểm của thành phố là Trung An (huyện Cờ Đỏ) và Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) đạt 19/20 tiêu chí.

 

Công cuộc XDNTM của cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng 2 năm qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư thực hiện các tiêu chí vì thế cũng hạn chế. Song, theo đánh giá của ngành chức năng, cản ngại trong XDNTM không chỉ nằm ở chỗ những tiêu chí cần đầu tư vốn lớn. Bởi nếu cứ giữ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư từ Nhà nước, việc thực hiện các tiêu chí không được tổ chức một cách toàn diện, khoa học thì dù có tiêu tốn nhiều tiền của, công sức thì công cuộc XDNTM khó lòng đạt được kết quả như mong muốn. Song song đó, do chưa được đào tạo, tập huấn một cách kỹ lưỡng, một số lãnh đạo chủ chốt cấp xã chưa có nhiều kinh nghiệm tập hợp quần chúng, huy động sức người, sức của… trong khi không ít người dân vẫn chưa nhận thức sâu sắc về XDNTM…

* Tập trung cho các tiêu chí quan trọng, bức xúc

Theo lộ trình XDNTM được vạch ra, năm 2013, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu mỗi xã đạt thêm 1 tiêu chí, các xã điểm của huyện đạt ít nhất 2-3 tiêu chí. Riêng 2 xã điểm của thành phố tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để xét công nhận xã nông thôn mới. Đây là 2 mô hình kiểu mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các xã XDNTM trên địa bàn thành phố. Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết: "Song song với nỗ lực hoàn thành tiêu chí chưa đạt về chợ nông thôn, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bề nổi qua hệ thống băng-gôn; vận động người dân chỉnh trang nhà cửa; cải tạo vườn cây, ao cá; phát quang các tuyến giao thông tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp… Xã cũng vận động người dân tham gia xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, các mô hình điểm về kinh tế hộ để tạo điểm nhấn và nâng cao thu nhập cho người dân".

Ngoài Mỹ Khánh và Trung An, nhiều xã khác đã chủ động đề ra kế hoạch nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đáp ứng yêu cầu xã nông thôn mới. Theo bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, mỗi tiêu chí XDNTM bao hàm nhiều chỉ tiêu nhỏ. Do đó, tùy theo nhu cầu và điều kiện phát triển, các xã đăng ký theo từng chỉ tiêu cụ thể. Ngoài ra, mỗi ấp cũng phải xây dựng kế hoạch chi tiết, sát hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh việc lên kế hoạch thực hiện từng tiêu chí, hầu hết các xã đều "khoanh vùng" các tiêu chí đột phá, người dân đặc biệt quan tâm như: hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu lao động, thủy lợi, giao thông… Ông Huỳnh Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: "Năm 2013, Trường Xuân tập trung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm nhằm tăng thu nhập cho người dân, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản để phục vụ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...". Do yêu cầu phát triển mô hình "Cánh đồng lớn", xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh đề ra mục tiêu hoàn thành tiêu chí thủy lợi (tiêu chí số 3) trong năm 2013 trên cơ sở bám sát phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"…

Theo Ban Chỉ đạo thành phố, XDNTM ở TP Cần Thơ không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí mà phải làm cho bộ mặt nông thôn thực sự đổi thay, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhấn mạnh: Quá trình thực hiện các tiêu chí phải loại bỏ hoàn toàn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Mỗi xã cần có ý thức phát huy tinh thần "tự lực cánh sinh" trên cơ sở tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để cùng XDNTM. Để "tiếp sức" cho các xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn (Nghị định 41/2010/NĐ-CP) và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn (Nghị định 61/2010/NĐ-CP). Ngoài ra, khi tiến hành các dự án, chương trình ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tài sản của người dân, các địa phương cần vạch ra lộ trình đầu tư cụ thể, phối hợp tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong dân. Đây là điểm mấu chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành các tiêu chí đúng mục tiêu đề ra ban đầu…

Bài, ảnh: MỸ THANH 
(baocantho.com.vn)