Đông Anh (Hà Nội): Xã hội hóa làm nông thôn mới

Đông Anh (Hà Nội): Xã hội hóa làm nông thôn mới
Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đóng góp, để xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đông Anh (Hà Nội) đã triển khai rất hiệu quả công tác xã hội hóa nguồn vốn, thu hút được sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp.
Không xem nhẹ nông nghiệp

Là huyện ven đô, dựa vào nông nghiệp là chính nên năm 2009, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Đông Anh vẫn chọn nông nghiệp làm gốc. Theo sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, huyện Đông Anh có khoảng 67.000 con lợn, với khoảng 11.250 hộ chăn nuôi; 5.345 con trâu bò, với hơn 3.000 hộ và khoảng 2,2 triệu con gia cầm, thủy cầm, với hơn 15.000 hộ đang chăn nuôi. Tại đây, việc chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại đã từng bước góp phần cải thiện đời sống của người dân.


Ông Hà Văn Khanh - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, mặc dù huyện đang tích cực đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, dịch vụ khác, nhưng vẫn không xem nhẹ nông nghiệp. Việc chuyển sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại đã cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. "Ngoài ra, chúng tôi đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như thanh long, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, dưa bao tử, ổi… vào sản xuất. Hàng năm, huyện cũng cấy khoảng 40ha lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường" - ông Khanh cho biết thêm.

Theo đó, Đông Anh đang có chính sách khuyến khích thành lập các HTX, tổ dịch vụ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tính đến năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 22 triệu đồng/người (năm 2009 là 15 triệu đồng/người), giá trị thu nhập đạt từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

"Gói kích cầu" từ xã hội hóa

Huyện Đông Anh có 23 xã, 1 thị trấn, trong đó có 12 xã được chọn làm điểm trong giai đoạn I (2010 - 2015), các xã như Nam Hồng, Xuân Nộn, Mai Lâm đang được huyện dồn sức đầu tư và kỳ vọng sẽ về đích vào cuối năm 2013. Cho đến nay, hầu hết các xã đã đạt từ 12 tiêu chí trở lên, nhiều xã đạt 16 tiêu chí. 

Ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đánh giá: Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của người dân, doanh nghiệp, trong đó đội ngũ lao động đi làm ăn xa, các doanh nhân thành đạt trên địa bàn như: Tập đoàn Hoàng Oanh, Công ty Thành Quang, Hà Thanh… đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Trung Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Hồng, một trong những địa phương triển khai hiệu quả việc xã hội hóa trong xây dựng NTM chia sẻ: "Hiện, xã có gần 10 công ty đã đóng góp hàng chục tỷ đồng để làm đường giao thông, nhà văn hóa, bãi chứa rác thải…, trong đó Công ty Thành Quang hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, làm được hơn 1km đường bê tông rộng 4,5m, 1 bãi rác; Công ty Hà Thanh đóng góp hơn 5 tỷ đồng để làm đường thôn Thủy Hà và nhiều công trình khác".

Tại thôn Thủy Hà, ngoài sự tham gia của doanh nghiệp, lãnh đạo thôn đã vận động người dân đóng góp được hơn 2 tỷ đồng để làm đường, cổng làng, nhà văn hóa… Bà Nguyễn Thị Lợi, thôn Thủy Hà phấn khởi cho biết: "Ngõ chúng tôi có 18 hộ, dài hơn 100m. Khi thôn, xã vận động bê tông hóa đường làng ngõ xóm, chúng tôi đã góp mỗi hộ 3 triệu đồng. Giờ đường sá rất sạch sẽ, trời mưa không còn lo trơn trượt, lầy lội như trước".

Còn tại làng Quan Âm, xã Bắc Hồng, gia đình ông Nguyễn Lương Sinh đã tự bỏ tiền để xây cổng làng bề thế, trị giá cả trăm triệu đồng. Ông Châm nói: "Xã hội hóa và vận dụng tổng thể các nguồn lực đã giúp bộ mặt huyện Đông Anh ngày một khởi sắc, đời sống tinh thần người dân được nâng cao". 
Việt Tùng
Nguồn danviet.vn