Đông Anh: Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 02/08/2019 01:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của huyện
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, huyện đã huy động được 7.523 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, có hơn 344 tỷ đồng vốn xã hội hóa. Nhờ đó, huyện đã đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng, phát triển sản xuất. Diện mạo đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng đổi mới, sạch đẹp, khang trang; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao...
Huyện đã xây dựng, cải tạo gần 800km đường trục xã, thôn, ngõ xóm và đường trục nội đồng; xây dựng, cải tạo 117 nhà văn hóa thôn; 08 trung tâm Văn hóa xã. Hỗ trợ cải tạo, xây dựng 734 nhà ở cho người có công với cách mạng, 318 nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa với kinh phí hỗ trợ 53,4 tỷ đồng qua đó giải quyết xong nhà dột nát cho người có công và hộ nghèo trên địa bàn Huyện; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,9% còn 1,15% - Đông Anh là huyện đứng đầu Thành phố trong công tác này. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi, từ 20 triệu đồng/người/năm (2010); Năm 2018 thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm. Năm 2019, dự kiến, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Huyện cũng đã hoàn thành dồn điền đổi thửa được 1.865ha (đạt 94% kế hoạch), đồng thời tập trung cấp GCN QSD đất tại các thôn hoàn thành dồn điền, đổi thửa đạt 96,9%.
Đáng chú ý, huyện Đông Anh đã có bước phát triển vượt bậc, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đến nay, đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại lợi ích lớn: Giá trị sản xuất đạt gần 2.500 tỷ đồng; tổng diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 1.800ha. Tổng thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt trên 250 triệu đồng. Huyện đã tập trung nhiều giải pháp, đề án hỗ trợ nông dân như: Đề án phát triển nghề trồng Nấm rơm; Đề án ứng dụng cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể: “Nếp cái hoa vàng Đông Anh”; bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Trám, Mít bản địa tại khu di tích lịch sử Cổ Loa; xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”, “Quất cảnh Tàm Xá”; “bún Mạch Tràng”...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể
Về chăn nuôi, Huyện đã xây dựng được 11 trang trại chăn nuôi an toàn theo hướng mô hình VietGAP; áp dụng công nghệ cao, mang lại giá trị, hiệu quả cao như: Công ty TNHH đầu tư và phát triển Hòa Phát của ông Nguyễn Văn Hiệu (xã Tiên Dương) doanh thu bình quân 50 tỷ đồng/năm; Trang trại nuôi gà siêu trứng của ông Hoàng Minh Ngọc (xã Liên Hà), doanh thu đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm…
Ngoài ra, Huyện đã hình thành các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho năng suất vượt trội so với các mô hình truyền thống; chăn nuôi gia súc lớn đã áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình giết mổ tập trung bán công nghiệp theo chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm. Kinh tế trang trại được duy trì phát triển, phần lớn các trang trại được đầu tư có hiệu quả, đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình, đến nay, đã có 22/23 xã của Huyện đạt chuẩn NTM và Đông Anh là huyện thứ 2 (trong tổng số 4 huyện) của Thành phố đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Tại hội nghị, 48 tập thể và 63 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã được Huyện ủy Đông Anh biểu dương và khen thưởng.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của huyện Đông Anh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những kết quả tiêu biểu trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. Đồng chí cũng đánh giá cao 5 bài học kinh nghiệm mà Huyện đã rút ra sau 10 năm thực hiện Chương trình 02. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới bài học kinh nghiệm đầu tiên, đó là Chương trình 02 cần được sự chỉ đạo đồng bộ quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, thành phố đến cơ sở. Cán bộ chủ chốt của các xã, các thôn phải thực sự chủ động, gương mẫu, quyết tâm cao, có ý thức chính trị, được trang bị đầy đủ kiến thức về NTM để từ đó phối kết hợp cùng MTTQ và các đoàn thể chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện. Tăng cường kiểm tra sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị
Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Huyện cần tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương và Thành phố đối với sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà”; tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác giám sát phòng chống dịch bệnh…
Về xây dựng NTM, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Huyện cần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để huy động được nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện Chương trình. Nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, nhất là các cá nhân có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để tiệm cận với các tiêu chí của phường và quận; hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, Huyện cũng cần nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của Thành phố về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn; hoàn thành chương trình xóa hộ nghèo; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân... Quan tâm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp trong thực thi công vụ...
Theo Nhóm PV/hanoi.gov.vn