Đông Giang chuyển biến
- Thứ bảy - 20/06/2015 21:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Do xuất phát điểm kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án hạn chế, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ nghèo cao nên khi triển khai XDNTM, 10 xã trên địa bàn huyện Đông Giang thực hiện nhiệm vụ này không khỏi lúng túng. Chưa kể, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp thôn, xã, những người trực tiếp triển khai chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành.
Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: “Nhận thức rõ những khó khăn này, khi triển khai chương trình XDNTM, ngay từ đầu UBND huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo và tổ chuyên trách làm đầu mối tham mưu cho UBND huyện; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, nhân dân nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình XDNTM; lập quy hoạch, đề án XDNTM ở các xã và định hướng của huyện đến năm 2020; phát động các phong trào thi đua; mở các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để người dân áp dụng vào thực tế sản xuất”.
Qua 4 năm XDNTM, đời sống của người dân Đông Giang được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân tại nhiều xã tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Các địa phương tập trung hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề; cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả. Nhờ đó, nhiều gia đình đã mở hướng làm ăn mới như xây dựng trang trại chăn nuôi, sản xuất lúa theo phương pháp SRI, trồng keo, trồng mây dưới tán rừng, thâm canh chuối, trồng ớt, chè, bòn bon, mở cơ sở xay xát. Cán bộ từ huyện đến thôn, bản đều tâm huyết, sâu sát, trách nhiệm với phong trào và công việc được phân công; người dân không ai đứng ngoài cuộc hoặc trông chờ, ỷ lại mà cùng góp sức với chính quyền thực hiện các tiêu chí.
Việc đổi mới phương thức sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2014, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 10,6 triệu đồng/người, tăng gần 4 triệu đồng/người so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo còn 34,32%, giảm 9,44% so với năm 2013. Tỷ lệ lao động có việc làm trên 90%.
Từ khi triển khai chương trình XDNTM đến nay, Đông Giang đã huy động được hơn 716,8 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí, trong đó vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ chiếm 63,3%, vốn tín dụng 33,5%, doanh nghiệp 17%, vốn do dân đóng góp đạt hơn 5 tỷ đồng thông qua công lao động, vật tư làm chuồng trại và tài sản hoa màu. Từ nguồn vốn này, huyện đã hoàn thành 24,3km đường trục liên xã, 38km đường liên thôn, xóm và 25km đường bê-tông nội đồng; làm mới 10 công trình, sửa chữa, nâng cấp 61 công trình thủy lợi; kiên cố 30km kênh mương, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho trên 90% diện tích đất canh tác; xây dựng nâng cấp 11 trạm biến áp, 2 công trình điện chiếu sáng; xây dựng mới 2 trường học, nâng cấp 31 trường, 3 trạm y tế, 1 trụ sở UBND xã, 50 nhà văn hóa thôn; xây mới 11 công trình, cải tạo 21 công trình nước sạch nông thôn. Tại nhiều địa phương, các hạng mục điện - đường - trường - trạm - thông tin liên lạc được xây dựng, kết nối thông suốt, diện mạo NTM tại một số xã ngày càng khởi sắc.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Đông Giang đã có 1 xã đạt 17 tiêu chí, 1 xã đạt 9 tiêu chí, 5 xã đạt 7 tiêu chí, 3 xã đạt 6 tiêu chí, bình quân đạt 7,8 tiêu chí/xã, tăng 5,6 tiêu chí so với năm 2010. Từ nay đến cuối năm, Đông Giang phấn đấu hoàn thành chương trình XDNTM ở xã Ba, các xã còn lại đạt từ 7 tiêu chí trở lên; đến năm 2020 hoàn thành thêm 4 xã là xã Tư, Mà Cooih, Jơ Ngây và Arooi; các xã còn lại đạt trên 14 tiêu chí.
Theo ông Đỗ Tài, thành quả đạt được trong quá trình XDNTM là nhờ chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, đề án phát triển trên địa bàn. Mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2020 là khá cao so với thực lực của huyện, vì vậy điều đó chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, xuyên suốt của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự vào cuộc tích cực của người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn hoàn thiện các công trình hạ tầng, hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo điều kiện để các xã về đích đúng tiến độ.
Theo: kinhtenongthon.com.vn