Đông Hưng: Tiến từng bước vững chắc đến đích huyện NTM

Đông Hưng: Tiến từng bước vững chắc đến đích huyện NTM
Là một trong những huyện đi đầu của tỉnh Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sau 7 năm nỗ lực phấn đấu, Đông Hưng đã có 26/42 xã đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
tr4a.JPG

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện.

Giữ vững “20 chữ vàng”

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, cho biết: 20 chữ vàng “Sản xuất phát triển - Đời sống sung túc - Diện mạo sạch đẹp - Thôn làng văn minh - Quản lý dân chủ” được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản của huyện. Lấy xã Trọng Quan làm điểm XDNTM, từ đó  huyện rút ra bài học kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn. Bám sát mục tiêu XDNTM, đầu tư đúng và trúng, huyện đã xây dựng được 26/42 xã đạt chuẩn NTM, còn lại 16 xã bình quân đạt 14,4 tiêu chí. Năm 2018, huyện phấn đấu thêm 8 xã về đích NTM; phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2020.

Từ năm 2013 đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã tiếp nhận và sử dụng 142.934 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh. Bằng các nguồn lực, Đông Hưng tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Thực hiện “cứng hóa” được 250km kênh mương cấp I loại 3 (đạt 68%) và nạo vét 60km sông trục; xây dựng và nâng cấp đường giao thông trục chính nội đồng được 234km (67%); đường trục xã đến trung tâm xã  186,5km (81%); đường trục thôn đạt 2876.5km (88,5%); đường nhánh cấp I trục thôn 326km (94%).

Xây dựng được 43 trạm bơm, 8 trạm cấp nước sạch;  498 phòng học của các trường; 9 nhà văn hóa; 19 trạm y tế; 33 chợ nông thôn; 30 sân thể thao xã; 62 sân thể thao thôn. Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp trên 800 nhà ở cho người có công và người nghèo; nâng cấp và làm mới hệ thống lưới điện ở 44 xã, thị trấn với 76 trạm biến áp được xây mới, cải tạo và nâng cấp 223 trạm biến áp; cải tạo và thay mới trên 727,5km đường điện hạ áp bằng hệ thống cáp vặn xoắn…

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Giao thông nội đồng ở Đông Hưng khá hoàn thiện, thuận tiện cho sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản, kèm theo là hệ thống thủy lợi được đầu tư, cải tạo, nâng cấp,  đáp ứng  yêu cầu của người dân; cơ giới hóa được đẩy mạnh trên đồng ruộng; tiến bộ kỹ thuật được hỗ trợ, khuyến khích áp dụng vào sản xuất đã giúp cho nâng cao thu nhập, người dân phấn khởi, cần cù, thêm yêu và gắn bó với nghề nông.

Đông Hưng hiện có 31 cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung  với diện tích 1.409ha; một số giống cây trồng - vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được bệnh tật được triển khai, khảo nghiệm, đưa vào sản xuất. Vai trò của các hợp tác xã trên địa bàn từng bước ổn định và nâng cao chất lượng các dịch vụ hoạt động, truyền tải, hướng dẫn, tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên. Tại huyện, đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác sản xuất liên kết 4 nhà đem lại hiệu quả kinh tế cao.

tr4.JPG

Bà Nguyễn Thị Nhặn ở thôn Đông, xã Hồng Việt, chăm sóc vườn cây cảnh.

Chương trình XDNTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi từ huyện đến cơ sở. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đã xuất hiện nhiều tấm gương là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cùng chung tay đóng góp công sức, nguồn lực, vật chất, góp phần lan tỏa, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí NTM.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư   vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty TNHH Thuận Khang, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Lam Sơn…, đồng thời bao tiêu hầu hết các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, huyện vừa ký kết với doanh nghiệp Hàn Quốc  đầu tư về nông nghiệp sạch và các khu chế xuất.

Chú trọng thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN

Song song với phát triển sản xuất  nông nghiệp, Đông Hưng còn tích cực xây dựng, mở rộng các cụm công nghiệp. Đến nay, huyện đã hình thành 7 cụm công nghiệp, với 102 cơ sở, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực may mặc xuất khẩu, sản xuất kinh doanh đồ mộc dân dụng, cơ khí, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm…, giải quyết việc làm cho 9.963 lao động địa phương với thu nhập ổn định 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, 27 làng nghề được công nhận, phát triển và ổn định sản xuất ở hầu hết các xã trong huyện. Theo đó, lao động nông nhàn được tập trung làm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: may gia công, may xuất khẩu, thêu; sản xuất bánh kẹo; bún; sản xuất hương; gia công bật lửa gas, đèn pin, vợt muỗi; móc hộp xuất khẩu, mây tre đan xuất khẩu…

Ngoài ra, một số nghề mới cũng được hình thành như: đan bèo tây xuất khẩu tại xã Hồng Giang, đan rọ cói xuất khẩu tại xã Đông Kinh, may túi xách siêu thị tại xã Mê Linh…, nâng tổng số nghề TTCN trên địa bàn lên 42 nghề, thu hút 31.000 lao động.

Sản xuất phát triển, đời sống của người dân Đông Hưng ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 201,1 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ở mức 20 triệu đồng, thì năm 2017 nâng lên 41 triệu đồng, góp phần  giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,87%.

XDNTM gắn với xây dựng đời sống văn hóa

Chương trình XDNTM đã thay đổi toàn bộ ý thức của người dân, họ tự bảo vệ thành quả của mình, nhà cửa được chỉnh trang, đường làng ngõ xóm luôn xanh, sạch. 43/44 xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải về khu xử lý tập trung của các xã; 11 xã xây dựng lò đốt rác, xử lý theo công nghệ lò đốt; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn đạt 85%.

Nhà văn hóa xã, thôn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp, tổ chức văn nghệ tại địa phương… Cờ hoa, đèn điện được treo trong các ngày lễ rực rỡ đường làng, ngõ xóm; Quy ước văn hóa được xây dựng, người dân ứng xử văn hóa hơn, tình làng nghĩa xóm được phát huy, đùm bọc yêu thương nhau hơn, cùng nhau giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử cũng được đầu tư, tôn tạo…; khôi phục được tiếng Chèo làng Quốc, phát triển múa rối nước cổ truyền đã được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia…

Minh chứng cho kết quả XDNTM, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, phấn khởi chia sẻ: “Là xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện và thực hiện nguồn đấu giá đất 372, cùng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, đặc biệt sự đóng góp của người dân địa phương và con em xa quê, xã đã cán đích NTM năm 2014. Đến nay, diện mạo quê hương Mê Linh hoàn toàn thay đổi, các công trình cơ sở hạ tầng đã phục vụ thiết thực  đời sống của người dân. Bà con có thể đi thăm đồng bằng ô tô… Hệ thống giao thông thuận tiện đã thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương. Từ chỗ thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng năm 2014, đến năm 2017 đạt 37 triệu đồng”.

Ông Đặng Quang Thức, Chủ tịch UBND xã Đông Hà, cho biết: “Xã thực hiện công cuộc đổi mới quê hương bằng việc thực hiện chương trình XDNTM. Diện mạo nông thôn được thay đổi hoàn toàn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, đời sống của người dân Đông Hà nay đã sung túc hơn… Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền”.

Chương trình XDNTM thực sự đi vào cuộc sống của người dân Đông Hưng. Với quyết tâm, sự nỗ lực từ lãnh đạo huyện đến cơ sở, kết hợp với phát huy cao độ sức dân ở mỗi địa phương, huyện đang tiến từng bước vững chắc đến đích NTM, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình XDNTM của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020.

 Kiều Thủy/kinhtenongthon.vn