Đồng Nai: Dân vận khéo – Chìa khóa để thành công trong xây dựng nông thôn mới

Đồng Nai: Dân vận khéo – Chìa khóa để thành công trong xây dựng nông thôn mới
Tỉnh Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Song nhiệm vụ phía trước còn nặng nề, để đến năm 2020 Đồng Nai trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân.

 

 

Thực tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong những năm đầu triển khai thực hiện chương trình đã gặp không ít khó khăn, tiến độ chậm mà nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới chưa được thường xuyên, chưa sát với thực tiễn. Điều này đã dẫn tới nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của chương trình này chưa thực sự đầy đủ. Tại nhiều địa phương nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Không ít địa phương coi chương trình xây dựng nông thôn mới là cơ hội để có được nguồn đầu tư từ nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng, mà coi nhẹ vai trò chủ thể là người dân. Cũng có không ít người dân chưa nhận thức được họ là “chủ thể” của chương trình này. Họ cho rằng, đây là chương trình đầu tư của Nhà nước cho địa phương mình, là việc của cấp trên, chứ không phải là việc của mình. Họ cũng chưa hiểu rõ rằng cùng với việc tham gia đóng góp sức lao động, tiền của, ý kiến vào các hoạt động xây dựng chương trình là việc tự đầu tư để góp phần nâng cao thu nhập trong các hoạt động kinh tế, giữ gìn nếp sống văn hóa, chỉnh trang ngõ xóm, giữ vững an ninh trật tự,… góp phần nâng cao chất lượng đời sống của chính họ.


Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X), ba năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực: nông nghiệp phát triển tương đối ổn định, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; đời sống vật chất, tinh thần người dân có bước chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực này. Có được kết quả này là nhờ nhận thức của người dân về vai trò chủ thể, quyền làm chủ ngày càng được nâng cao.


Điển hình như tại xã Xuân Tân (thị xã Long Khánh), ngoài việc tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả hơn. Hiện toàn xã có 72,5 ha măng cụt, 83,4 ha cà phê, 79,5ha tiêu đây là những cây chủ lực, mang lại chất lượng và hiệu quả kinh tế cao... Nhờ đó đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 48,1triệu đồng/năm.

 

Nông dân Đồng Nai tham gia tập huấn sản xuất tiêu (Ảnh: theo TTKNĐN)


Tỉnh Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Song nhiệm vụ phía trước còn nặng nề, để đến năm 2020 Đồng Nai trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân. Muốn vậy phải coi trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Trong công tác tuyên truyền, vận động phải xác định rõ mục tiêu cao nhất là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) nông nghiệp, nông thôn. Phải làm cho mọi người dân nông thôn nhận thức một cách sâu sắc coi việc phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo nền tảng vững chắc góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo yêu cầu thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong quá trình CNH, HĐH tỉnh nhà.

Lê Văn Gọi
Nguồn khuyennongvn.gov.vn