Đồng Nai: Từ mô hình “4 có” đến huyện nông thôn mới
- Thứ sáu - 23/01/2015 02:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là thành quả từ sự quyết tâm cao của Đồng Nai trong việc chuyển từ mô hình “4 có” riêng của tỉnh đến chủ trương xây dựng NTM trở thành hiện thực.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm vườn tiêu gia đình ông Trần Hữu Thắng ở Xuân Lộc. Ảnh: VGP/Nguyệt Trinh |
Mô hình “4 có”
Vào thời điểm của năm 2003, người dân trong tỉnh Đồng Nai thường quen với cụm từ xây dựng mô hình tỉnh Đồng Nai “4 có” (có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, có đời sống kinh tế được cải thiện, có đời sống văn hóa tốt, có môi trường sinh thái tốt).
Mô hình này được triển khai trước một bước bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ để thực hiện các mục tiêu trên. Trong đó, mục tiêu tăng thu nhập để từng bước cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao mức sống của cư dân nông thôn luôn được đặc biệt quan tâm.
Đồng Nai đã bắt tay thực hiện thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và hình thành các cánh đồng mẫu lớn; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tiêu chuẩn 4 có: Có năng suất cao; có chất lượng tốt; có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao.
Với những việc làm cụ thể này, đời sống người nông dân đã không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn được thay đổi đáng kể, tạo tiền đề cho Đồng Nai tiến nhanh, tiến mạnh trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo ông Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, trong quá trình phát triển, Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đây là cơ sở để phát triển kinh tế bền vững ở một tỉnh còn trên 60% dân số sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, làm ăn sinh sống từ nông nghiệp.
Mặt khác, với việc triển khai thực hiện tích cực mô hình “4 có”, Đồng Nai đã đi trước một bước để nhanh chóng đón đầu các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sức mạnh từ dân
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật cho biết, đến cuối năm 2014, toàn huyện có 13/14 xã đạt NTM. Câu chuyện xây dựng NTM nơi đây có nhiều bài học sáng tạo.
Ví dụ, ngoài những tiêu chí NTM đạt được, thì gần 90% đường thôn, ngõ xóm ở Xuân Lộc có hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm và đều do nhân dân đóng góp để thực hiện phong trào “Sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Trong cải cách hành chính, Xuân Lộc đã mạnh dạn thay thế cán bộ yếu về năng lực, thiếu về phẩm chất đạo đức.
“Chúng tôi đã thay thế tới 5 Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã bằng những người mới có năng lực và phẩm chất chính trị cao, phải quyết liệt như thế mới thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng NTM nơi đây”, ông Nhật cho biết thêm.
Đối với thị xã Long Khánh, Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Nải cho hay, kinh nghiệm để trở thành đơn vị điển hình trong chương trình NTM là đã phát huy và khơi dậy được sức mạnh từ nhân dân.
Trong 5 năm thực hiện xây dựng NTM, nhân dân Xuân Lộc đã đóng góp hơn 245 tỷ đồng, trong khi đó thị xã Long Khánh cũng huy động từ các nguồn lực xã hội được hơn 2.400 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Với sự chung tay giữa Nhà nước và nhân dân, kết cấu hạ tầng nông thôn tại 2 địa phương đã không ngừng được cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân.
Trại gà Tâm Thanh Đức, Xuân Lộc. Ảnh: VGP/Nguyệt Trinh |
Nhiều mô hình sản xuất mới
Đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện đời sống của người dân, hai địa phương đã có những đột phá trong cách làm để nỗ lực xóa nghèo, phát triển sản xuất.
Nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong làm ăn manh mún, tự phát, huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đã mạnh dạn khuyến khích người dân hình thành các câu lạc bộ năng suất cao, tổ hợp tác, trang trại… để tạo nên các vùng chuyên canh rộng lớn. Từ đây, người nông dân có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chia sẻ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế. “Quyết định cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật không những làm cho nông dân chúng tôi thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu”, ông Nguyễn Văn Thắng (“vua” trồng tiêu tại Xuân Lộc) cho hay.
Trong thời gian này, nhiều mô hình sản xuất mới ở hai địa phương đã không ngừng được nhân rộng. Đến nay, huyện Xuân Lộc có 28 HTX, 350 câu lạc bộ năng suất cao; con số này tại thị xã Long Khánh là 10 HTX và 59 tổ hợp tác-câu lạc bộ năng suất cao.
Không dừng lại ở đây, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch cũng đã hình thành và phát triển nhằm nâng giá trị sản phẩm cũng như tạo thị trường tiêu thụ ổn định.
“Làm nông nghiệp sạch thì giá trị sản phẩm cao hơn, thị trường tiêu thụ ổn định hơn. Hiện toàn bộ sản phẩm của tổ hợp tác đều được doanh nghiệp bao tiêu ổn định”, ông Huỳnh Văn Hưng, Tổ phó Tổ sản xuất ổi theo hướng VietGAP ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh cho biết.
Nhờ đổi mới phương thức sản xuất cũng như cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên thu nhập của người dân không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn của thị xã Long Khánh trong năm 2014 đạt 38,6 triệu đồng/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2009; của Xuân Lộc đạt 37,6 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2008.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Định cho biết nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt 15 triệu đồng/năm, thì hiện nay, thu nhập của người dân ở đây ước đạt 45 triệu đồng/năm.
Thu nhập của người dân trong xã được nâng cao, số hộ nghèo cũng ngày càng ít hơn, năm 2008, xã có 31 hộ nghèo, đến năm 2011 giảm còn 18 hộ và đến nay, xã không còn hộ nghèo.
Với thành tích đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 sớm nhất cả nước, ngày 22/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 114/QĐ-TTg thưởng công trình phúc lợi cho huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Mỗi đơn vị được thưởng công trình phúc lợi trị giá 10 tỷ đồng. |
Nguồn: baodientuchinhphu.vn