Đồng Nai nỗ lực xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 07/09/2015 20:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng Nai tập trung xây dựng vùng sản xuất chuyên canh (Ảnh: K.V) |
Sau gần bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Đồng Nai đã có huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh là hai địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đây cũng là hai địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước đạt danh hiệu này.
Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm qua ở Đồng Nai đã tác động tích cực đến tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai, theo đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp từ năm 2011 đến nay đạt khoảng 4,74%/năm; giá trị sản xuất thu hoạch trên 1 ha diện tích trồng trọt đạt gần 100 triệu đồng/ha; đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến nay đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh (đối với khu vực nông thôn hộ nghèo thu nhập 650.000 đồng/người/tháng - cao hơn chuẩn quốc gia) đã giảm xuống còn dưới 1%. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Qua phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều nông dân đã có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập cao. Ở Đồng Nai đã xuất hiện không ít trang trại của nông dân, nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô lớn, tiên tiến không thua kém trang trại ở các nước trong khu vực và trên thế giới, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi được nhân rộng.
Ông Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, Đồng Nai luôn xác định nông dân là đối tượng thụ hưởng và là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy Đảng đều từ thực tế, đưa cuộc sống vào các nghị quyết chính trị nên được người dân hồ hởi đón nhận, từ đó, hiện thực hóa được mục tiêu phát triển tam nông bền vững. Có thể thấy, tại các địa phương của thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc, việc xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn, điều đặc biệt ở đây là các địa phương này đã thực hiện được nhựa hóa đường liên thôn, ấp. Cùng với đó là việc người nông dân ở các địa phương này có ý thức rõ làm nông nghiệp sạch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, bắt đầu phát huy vai trò tìm đầu ra, hạn chế tình trạng nông dân bị ép giá.
Quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sau thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc, các địa phương còn lại ở Đồng Nai đang nỗ lực tập trung cho chương trình này, nhiều địa phương đã đạt được kết quả cao và chuẩn bị hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới. Thống Nhất là huyện đang phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2015 này. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện Thống Nhất, đến nay huyện này đã có 8/10 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện còn 2 xã là Gia Kiệm đạt 18/19 tiêu chí và xã Xã Lộ 25 đạt 17/19 tiêu chí. Huyện Thống Nhất với quyết tâm cao tập trung hoàn thành những tiêu chí còn lại của 2 xã nói trên, qua đó, cuối năm 2015, Thống Nhất sẽ là địa phương thứ 3 của Đồng Nai thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.
Đường giao thông nông thôn ở huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai (Ảnh: K.V) |
Chính quyền và người dân huyện Trảng Bom cũng đang quyết tâm triển khai nhiều giải pháp tập trung nhằm đặt mục tiêu trong năm 2015, có thêm từ 7 đến 8 xã đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, huyện Trảng Bom đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng tiêu 1.200 ha, cà phê gần 4.000 ha ở xã Thanh Bình, Bàu Hàm...; vùng trồng mía 1.800 ha ở Hưng Thịnh, Trung Hòa; vùng trồng điều 3.100 ha ở Trung Hòa, An Viễn... Trong chăn nuôi, huyện cũng chú trọng phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại với quy trình khép kín. Trên địa bàn huyện có 270 trang trại đang áp dụng quy trình chăn nuôi công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học, trong đó có 4 trang trại được công nhận chăn nuôi theo hướng VietGAP. Không chỉ tập trung chuyển đổi cơ cấu, Trảng Bom còn đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ với việc chuyển giao các loại giống, kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất. Đồng thời, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như thu nhập của người nông dân.
Ông Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết thêm, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, cách làm tích cực, sáng tạo trong phong trào "Toàn tỉnh chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tiêu chí nông thôn mới ở các xã trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Nai có chủ trương không dừng lại ở các tiêu chí đạt được, mà phải tiếp tục nâng chất lượng các xã, các huyện nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, thúc đẩy phong trào đạt ở trình độ, chất lượng cao hơn, nhằm thực hiện mục tiêu "bốn tốt hơn", đó là: đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn; bảo đảm môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn. Phấn đấu sớm rút ngắn khoảng cách về trình độ và tính chất phát triển giữa nông thôn và đô thị, xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, phát triển toàn diện, bền vững./.
Theo:dangcongasan.vn