Đồng Nai xây dựng nông thôn mới: Chậm mà chắc

Đồng Nai xây dựng nông thôn mới: Chậm mà chắc
Năm 2016 Đồng Nai có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM và 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, thực tế tiến độ xây dựng NTM của Đồng Nai đạt chậm so với mục tiêu đề ra.

Trong những chuyến làm việc về tình hình xây dựng nông thôn mới tại địa phương trong quý III vừa qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đánh giá: “Tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến việc triển khai xây dựng nông thôn mới còn chậm, nhưng nhiều địa phương đã có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện, đặc biệt chương trình đã và đang có bước chuyển biến tích cực khi bước vào quý IV-2016. Phong trào đã đi vào hiệu quả thực chất, không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng nông thôn mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (phải) kiểm tra mô hình liên kết cánh đồng lớn ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).

Khó đạt mục tiêu

Trảng Bom vừa được Hội đồng thẩm định nông thôn mới tỉnh bỏ phiếu công nhận đạt huyện nông thôn mới. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao cũng khó đạt như mục tiêu đề ra. Vì tính đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra trong năm 2016. Những tiêu chí bị vướng chủ yếu là về đầu tư giao thông nông thôn, trường học, chợ, cơ sở văn hóa... do khó khăn về nguồn vốn. Ngoài ra, có nguyên nhân một số tiêu chí có yêu cầu cao hơn so với trước. Cụ thể, như tiêu chí trường học cần thời gian và nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.

Theo Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng, toàn huyện có 8/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đã hoàn thành hồ sơ chờ thẩm định. Địa phương đã tập trung toàn lực xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn huy động đầu tư cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương ngày một tăng.

Riêng trong năm 2016, toàn huyện đã huy động đạt gần 709 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp chiếm tỷ lệ 71%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt 39,6 triệu đồng/người/, tăng hơn 3 triệu đồng/người so với năm ngoái. “Huyện đang gặp một số vấn đề khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn. Chúng tôi đang kiến nghị tỉnh được điều chỉnh quy hoạch về đầu tư một số tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng trung tâm văn hóa, trường học... cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế” - bà Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ.

Đi sâu vào chất lượng

Tại buổi xét duyệt các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hội đồng thẩm định nông thôn mới tỉnh vừa diễn ra ngày 6-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá: “Phong trào xây dựng nông thôn mới đang đi vào chiều sâu. Bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 sẽ bám sát theo bộ tiêu chí của Trung ương, nhưng các tiêu chí đặt ra phải bằng hoặc cao hơn”.

Minh chứng cho phương châm “thà chậm mà chắc” trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tuy Trảng Bom cán đích nông thôn mới sau so với các địa phương khác nhưng tỷ lệ đạt chuẩn cao hơn với 100% số xã đều đạt chuẩn nông thôn mới. Tiêu chí nổi bật của huyện Trảng Bom là thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 45,2 triệu đồng/người/năm.

Việc tập trung đi sâu vào chất lượng chứ không chỉ chạy theo thành tích được thể hiện khá rõ qua các chỉ tiêu đề ra trong Bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, mục tiêu đề ra thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 44 triệu đồng/người vào năm 2017 và tăng lên 59 triệu đồng vào năm 2020.

Tiêu chí về tổ chức sản xuất là một trong những yêu cầu để nâng chất nông thôn mới. Theo đó, phát triển kinh tế tập thể không chỉ là một trong những yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới mà có ý nghĩa quyết định trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, tăng sức cạnh tranh cho nông sản nội địa.

Theo UBĐN/GĐ&PL