Đông Sơn, diện mạo mới

Đông Sơn, diện mạo mới
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bằng chính sách và hướng đi phù hợp, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đã từng bước đẩy mạnh phong trào và thu được kết quả khả quan.
Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất

Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào XDNTM, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đông Sơn đã nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của chương trình, coi đây là cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trọng tâm của công cuộc XDNTM là chú trọng phát triển kinh tế để từ đó phát huy sức mạnh nội lực trong nhân dân. Các xã đều xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần không nhỏ cùng huyện thực hiện chương trình đạt hiệu quả.
Những con đường từ ý Đảng, lòng dân ở Đông Sơn.

Trong 3 năm qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi do giá vật tư đầu vào tăng nhưng huyện đã tích cực chỉ đạo và khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất từ chương trình XDNTM, toàn huyện đã xây dựng được 2 cơ sở sản xuất mạ khay và dịch vụ cơ giới đồng bộ trong sản xuất lúa ở  Đông Tiến và Đông Ninh với kinh phí đầu tư 4-5 tỷ đồng/cơ sở; khuyến khích mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, ngô nếp lai vụ đông, nuôi gà Ri vàng rơm, chim bồ câu Pháp; phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại và gia trại trên nền đệm lót sinh học góp phần làm “sạch làng, tốt ruộng”. Đến nay, các mô hình cho thu nhập khá cao.

Chú trọng chương trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa là một trong những mô hình điểm có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ huyện đến thôn. Đây được xem là chủ trương có tác động lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện trong 3 năm qua. Đồng thời, Đông Sơn cũng đã phê duyệt đề án hỗ trợ cho các địa phương thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nhằm giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển các dịch vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 6 xã đầu tư làm dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp…

Ông Lê Xuân Vàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: “Với chiến lược đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, đến nay, Đông Sơn đã có 14/15 xã thành lập được  HTX dịch vụ nông nghiệp, 2 tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp, 9 HTX phi nông nghiệp, chủ yếu làm công tác cung ứng giống, dịch vụ thủy lợi, khuyến nông, cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch”.

Diện mạo đổi thay

Trong 3 năm XDNTM, Đông Sơn đã kiên cố hóa và đưa vào sử dụng 62,5km đường giao thông nội đồng; 17km kênh mương nội đồng; 116,5km đường giao thông nông thôn; xây mới 44 nhà văn hóa thôn, cải tạo chỉnh trang thêm 25 nhà văn hóa thôn; 19 sân thể thao, cải tạo 6 công sở xã, xây dựng và nâng cấp mới 7 trạm y tế xã… Tổng nguồn vốn thực hiện là 1.021,971 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ 24,447 tỷ đồng (chiếm 2,4%); ngân sách huyện chiếm 8,1%; đầu tư khác chiếm 15,1%; còn lại là nguồn vốn huy động của nhân dân 760,266 tỷ đồng (chiếm 74,4%)… Nhân dân tự nguyện hiến 47.170m2 đất để mở rộng đường làng ngõ xóm, ủng hộ 19.257 ngày công lao động để xây dựng, mở rộng đường giao thông và kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng. Đến nay, huyện có 1 xã cán đích NTM, trong năm 2014 phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn NTM.

Dẫn chúng tôi đi thăm những con đường bê-tông trải nhựa phẳng lỳ, chạy dài vào từng nhà, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, phấn khởi cho biết: “Sau 3 năm thực hiện XDNTM, bộ mặt nông thôn đã có sự khởi sắc, đường giao thông được hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, năng suất lúa không ngừng tăng, xã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Đây thực sự là yếu tố quyết định giúp xã sớm cán đích NTM vào cuối năm 2014”.

Ngoài các xã đăng ký lộ trình về đích NTM đúng kế hoạch còn có 12 thôn đăng ký đạt chuẩn NTM cũng đang nỗ lực thực hiện tốt những tiêu chí còn lại, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đề ra.

“Trong những năm tiếp theo, Đông Sơn sẽ tạo mọi cơ chế, môi trường thuận lợi để khuyến khích các chủ trang trại , doanh nghiệp liên kết hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động  để nâng cao mức sống, thu nhập cho nhân dân”, ông Vàng nói.
Như Quỳnh-Minh Thượng
Theo kinhtenongthon.com.vn