Đồng Tháp: Phát triển 5 nông sản chủ lực

Đồng Tháp: Phát triển 5 nông sản chủ lực
Chiều 10-7, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về đề án tái cơ cấu nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, Đồng Tháp chọn 5 ngành hàng nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh để phát triển là lúa gạo, hoa kiểng, cá tra, xoài và vịt.
 
Ảnh minh họa

Đến nay, Đồng Tháp xây dựng được mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 86.630ha, đẩy mạnh cơ giới hóa giảm chi phí giá thành sản xuất lúa từ 600 - 750 đồng/kg, lợi nhuận đạt bình quân 22-23 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn sản xuất bên ngoài từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ. Đẩy mạnh chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; trong đó giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho Công ty TNHH XNK Lộc Anh vay để liên kết cùng 3 hợp tác xã Nông nghiệp  Tân Tiến, Tân Cường và Phú Bình (huyện Tam Nông) phát triển 1.730 ha lúa theo chuỗi giá trị. Đồng Tháp còn hợp tác cùng Tập đoàn Phát triển nông nghiệp nông thôn Hàn Quốc (KRC) qui hoạch 28.000ha đất lúa ở các huyện Thanh Bình, Tam Nông… sản xuất theo hướng hiện đại, qui mô lớn. Đồng thời, hợp tác cùng Nhật Bản, Hà Lan… ứng dụng những công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến của các nước vào thực tế của Đồng Tháp.
 
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhìn nhận: “Tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và Đồng Tháp xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà tỉnh đã và đang tập trung thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, giảm giá chi phí thành để tăng sức cạnh tranh. Làm được việc này thì liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là rất quan trọng”.
 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, Đồng Tháp là địa phương tiên phong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Chỉ sau 2 năm thực hiện, nhưng đã đạt được những kết quả cụ thể, nâng cao được thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Đồng Tháp có cách làm hay là chọn đúng những sản phẩm thế mạnh tập trung đầu tư phát triển; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia đề án tái cơ cấu nông nghiêp. Từ việc tuyên truyền sâu rộng nên người dân hiểu và ủng hộ. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Đồng Tháp là tỉnh “thí điểm” về tái cơ cấu nông nghiệp, do đó những thành công của Đồng Tháp là vô cùng quan trọng để các địa phương khác rút kinh nghiệm. Song, chặng đường phía trước vẫn còn rất khó khăn, vì vậy Đồng Tháp cần nỗ lực hơn nửa. Việc tái cơ cấu nông nghiệp thành công cũng là cơ sở để xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, hiện đại…
 
Huỳnh Lợi (Báo Sài Gòn Giải Phóng)