Đồng Tháp: Trồng cam sạch cạnh tranh với cam nhập ngoại
- Thứ tư - 14/09/2016 09:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong bối cảnh trái cây sạch, trái cây an toàn đang lên ngôi thì cây cam xoàn buộc phải đáp ứng theo yêu cầu đó. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, tại thị trấn Lai Vung có một nông dân tiên phong trong việc canh tác cam xoàn theo hướng an toàn.
Anh Phan Văn Kiệt chăm sóc vườn cam sạch theo phương pháp an toàn sinh học
Xuất thân là thương lái thu mua cam và xuất bán cho các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, anh Phan Văn Kiệt từ trước giờ chỉ chuyên kinh doanh các loại cây ăn trái trong và ngoài huyện Lai Vung, nhất là đối với trái cam xoàn. Với kinh nghiệm của người thu mua, anh Kiệt cũng am tường kỹ thuật chăm sóc cũng như cách sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật trên cây có múi. Theo anh Kiệt, ở một số nhà vườn, khi thu hoạch cam xoàn vẫn còn tồn dư nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do vậy, trước xu thế đòi hỏi trái cây an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, anh đã mạnh dạn cải tạo vườn nhà và áp dụng quy trình trồng cam xoàn an toàn từ hai năm nay.
Anh Phan Văn Kiệt cho biết, tín hiệu thị trường Hà Nội hoặc TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng nhu cầu về cam sạch rất cao. Thông thường, cam nhập từ nước ngoài được tin dùng hơn. Nay cam mình trồng theo hướng hữu cơ và vi sinh để giảm bớt dư lượng trừ sâu, mình đưa ra thị trường dần dần thay thế cam nhập khẩu.
Theo anh Kiệt, việc trồng cam xoàn theo hướng an toàn cũng không có gì khó khăn. Phân hóa học được anh thay thế bằng phân vi sinh và phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật được thay bằng các bả mồi và thuốc vi sinh…Đặc biệt là áp dụng triệt để quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chương trình quản lí dịch hại tổng hợp…
Với gần 2 công đất trồng cam xoàn đã mang lại hiệu quả tích cực. Sau gần 2 năm thu hoạch, cam xoàn cho năng suất và chất lượng khá tốt so với sản xuất bình thường. Minh chứng cụ thể nhất, qua vận động của Hội Nông dân huyện Lai Vung, anh Kiệt đã đem sản phẩm cam xoàn dự thi tại Lễ Hội trái cây Nam Bộ vừa được tổ chức tại TPHCM trong tháng 6 vừa qua. Kết quả trái cam xoàn anh đã được trao giải 3 của Hội thị về trái ngon an toàn.
Ông Phạm Văn Thật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lai Vung cho biết: “Đây là phấn khởi cho huyện Lai Vung. Huyện Lai Vung được sự giúp đỡ của Hội làm vườn Việt Nam, cụ thể là Tiến sĩ Võ Mai là Phó chủ tịch Hội Làm vườn đang tập huấn lớp gồm 15 thành viên ở xã Vĩnh Thới để trồng cam xoàn. Tập huấn hàng tháng, để từng bước xin cấp giấy chứng nhận an toàn theo thực hành nông nghiệp tốt là Gap”.
Cũng theo anh Kiệt, việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn ngoài việc tuân thủ các quy trình khuyến cáo thì điều quan trọng hơn hết là vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Nếu làm được như thế không chỉ cam xoàn mà nhiều loại trái cây của Việt Nam sẽ đi tới nhiều thị trường hơn hiện tại. Với bước đi tiên phong của mình, anh hi vọng sẽ có nhiều bà con tham gia sản xuất cam xoàn sạch, an toàn để giảm được chi phí và tăng lợi nhuận cho nhà vườn.
Theo anh Phan Văn Kiệt, “mình tạo ra sản phẩm sạch để cung ra thị trường, nếu đạt thì nhân rộng cho các nông dân khác sản xuất để mình thu mua, có nguồn cung trái cây sạch cung cho thị trường”.
Cam xoàn, loại cây ăn trái mới phát triển mạnh gần đây nhưng do giá trị kinh tế mang lại khá cao nên ngày càng có nhiều nông dân phát triển mới những diện tích trồng loại cây này. Cũng theo anh Phan Văn Kiệt sau khi hoàn thành khóa học về sản xuất theo quy trình VietGap, anh sẽ mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn và hướng đến đạt chứng nhận VietGap. Qua đó sẽ làm đầu tàu tiên phong để bà con nông dân trong huyện có thể làm theo nhằm tạo nguồn cung ổn định về cam an toàn phục vụ thị trường và người tiêu dùng./.
Theo Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL