Đồng Tháp chuyển mình từ phong trào Xây dựng Nông thôn mới

Đồng Tháp chuyển mình từ phong trào Xây dựng Nông thôn mới
Nếu chưa một lần đặt chân đến những vùng nông thôn, nơi mà cả chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực hết mình để cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp thì sẽ không bao giờ cảm nhận được hết không khí nhộn nhịp của những nơi này. Nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hoá, cùng hiến đất mở rộng đường giao thông, tăng gia sản xuất để góp thêm thu nhập nâng cao đời sống,v.v. Đó là những kết quả đáng phấn khởi sau hơn 02 năm Đồng Tháp triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

Nông thôn khoác áo mới

Hình ảnh một nông thôn đường lầy lội, trơn trợt; cầu khỉ, cầu ván gập ghềnh trước đây đang dần được thay đổi bằng những con đường bê-tông thẳng tắp, những cây cầu xi măng vững chắc trải dài trên các tuyến giao thông nông thôn.

Để có chuyển biến tích cực đó, công tác phát triển giao thông nông thôn thời gian qua luôn được chú trọng, đến nay toàn tỉnh đã kiên cố hoá 420 km đường giao thông, xây dựng 223 cầu và 855 cống thuỷ lợi. Từ việc đầu tư xây dựng kịp thời đã giúp cho người dân lưu thông được dễ dàng và việc vận chuyển nông sản ngày càng được thuận tiện hơn, trở thành dấu ấn đầu tiên về một nông thôn mới.

Ông Nguyễn Minh Đấu (xã Thanh Mỹ, Tháp Mười) vui mừng khi diện mạo quê hương mình ngày càng tươi đẹp hơn, ông chia sẻ: nông thôn bây giờ thay đổi nhiều lắm, đường sá đi lại không còn khó khăn như trước nữa. Nhà nào giờ cũng phải thi đua để giúp cho địa phương trở thành xã nông thôn mới.

Cùng với suy nghĩ đó, bà Trần Thị Tám (xã Thanh Mỹ, Tháp Mười) tỏ ra rất đồng tình khi chính quyền địa phương phát động XDNTM, nhờ đó mà ý thức của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng mất an ninh trật tự đã giảm đi rất nhiều. Ngoài thời gian đi làm đồng, bà nhận đan thảm lục bình, mỗi ngày cũng thu nhập được khoảng 80 nghìn đồng cũng đủ trang trải cho các sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Không dừng lại ở phát triển kết cấu hạ tầng, các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân ngày càng được quan tâm như mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó hình ảnh nông thôn còn được tô điểm thêm bằng những hàng rào xanh mướt, được trồng thống nhất bằng một loại hoa kiểng, cắt tỉa gọn gàng và những tuyến đường quê giờ đã được thắp sáng.v.v. Chính những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ đó của người dân nhưng lại góp phần rất lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

…và những công trình từ lòng dân

Đến nay toàn tỉnh đã có hàng ngàn mét vuông đất được hiến, hàng trăm ngàn ngày công lao động tự nguyện và biết bao công trình đã được đóng góp và hình thành từ những suy nghĩ cao đẹp của người dân. Có thể nói, đó chính là thành công bước đầu của XDNTM.

Điển hình như ông Mai Văn Đâu – Tổ trưởng Tổ xây dựng cầu, đường xã Định Yên (Lấp Vò), người đã có nhiều đóng góp lớn trong xây dựng cầu, đường không chỉ riêng xã Định Yên mà còn có cả những địa phương khác và một số tỉnh lân cận. Ông chia sẻ, thấy nhu cầu giao thương, đi lại của người dân nông thôn ngày càng cao trong khi các công trình giao thông không đảm bảo nên ông quyết tâm thành lập tổ xây cầu, đường miễn phí để góp công sức mình cùng địa phương giải quyết khó khăn cho người dân.

Đến nay tổ xây dựng cầu, đường của ông đã xây dựng 49 cầu bê tông, có tải trọng 2,5 – 5 tấn, tổ đã bắt mới và sửa chữa 27 cầu gỗ, xây dựng mới 3000 m đường dal, tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng và  hơn 15.000 ngày công lao động tự nguyện.

Còn bà Lê Thị Thanh (xã Thanh Mỹ, Tháp Mười) khi hay tin chính quyền địa phương đang cần đất để xây nhà văn hoá ấp để làm nơi sinh hoạt và tổ chức hội họp cho người dân, thấy được lợi ích thiết thực nên bà đã tự nguyện cho địa phương mượn trên 1300m2 đất trong thời gian 15 năm để xã xây nhà văn hoá. "Chỉ cần cho dân được hiểu biết, có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh là tôi rất sẵn lòng" - Bà Thanh vui vẻ nói.

Không ngại gian khó, vất vả và cũng không vì những lợi ích riêng tư cho mình, ông Nguyễn Văn Tô (xã Bình Thạnh, Cao Lãnh) lại chọn cách đóng góp riêng, ông cho biết: thấy con đường của ấp mình đi lại khó khăn quá, gặp mưa xuống thì xe máy chỉ có thể dẫn bộ, học sinh đi lại cũng không an toàn nên tôi quyết định đứng ra vận động người dân trong ấp cùng góp vốn để mở đường. Đến nay con đường đã hoàn thành phần nền, sắp tới sẽ được rải đá để lưu thông dễ dàng hơn.

Từ những đóng góp tự nguyện của người dân trong thời gian qua đã cho thấy niềm tin và sự kỳ vọng của người dân vào chương trình XDNTM là rất lớn và đó cũng chính là động lực cho chính quyền địa phương tiếp tục “sứ mệnh” thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.

Thành công từ những cách làm sáng tạo

Không phải tất cả địa phương khi bắt đầu phong trào XDNTM đều có đặc điểm về kinh tế, xã hội giống nhau. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều địa phương bắt đầu XDNTM từ vạch xuất phát thấp nhưng đến nay đã cố gắng vươn lên hoàn thành nhiều tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí được đánh giá là khó đạt như: tiêu chí thu nhập, tiêu chí môi trường, tiêu chí giao thông v.v..

Một trong số đó có thể kể đến xã Bình Thạnh (Cao Lãnh), địa phương có cách làm sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện XDNTM đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: trong thời gian qua, chính quyền xã luôn chủ động trong triển khai thực hiện các tiêu chí, không chờ có đề án, quy hoạch mới bắt tay vào thực hiện. Để có đề án, quy hoạch thì phải mất khoảng 01 năm, trong thời gian đó nếu không triển khai thực hiện các tiêu chí thì sẽ rất phí.

Bên cạnh đó, 80% việc xây dựng đề án, quy hoạch là do xã thực hiện, đơn vị tư vấn chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn.

Trong cách huy động sức dân, Bình Thạnh cũng thực hiện theo cách sáng tạo của mình, đó là huy động sức dân theo diện tích đất. Trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất của người dân bằng phiếu, cứ 1000 m2 đất thì nhân dân đóng 50 ngàn đồng/năm trong thời gian 05 năm. Nơi nào đóng góp nhiều thì sẽ có đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển và ngược lại. Chính từ việc làm đó đã tạo nên sự thi đua giữa các ấp trong xã với nhau và góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt phong trào XDNTM. Đến nay, Bình Thạnh đạt được 11 tiêu chí và phấn đấu cuối năm nay hoàn thành thêm 05 tiêu chí.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khanh – Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ (Tháp Mười): cho rằng chính sự kiên trì trong việc vận động người dân và thực hiện tốt quy chế dân chủ đã giúp cho Thanh Mỹ huy động được nhiều nguồn vốn trong dân, nhất là hiến đất mở rộng đường giao thông. Đối với những trường hợp đặc biệt, xã không bỏ cuộc mà cử những cán bộ có uy tín, được người dân tin tưởng đến để thuyết phục. Trong 02 năm đã có trên 31 tỷ đồng từ nguồn vốn cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương.

Để hoàn thành tiêu chí thu nhập xã đã xác định phát triển nông nghiệp là chính, thực hiện cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó phát triển các nghề như đan thảm lục bình, đan dây cói, kết hạt cườm để người dân có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập. Từ công việc đan, lát trong thời gian nhàn rỗi, mỗi ngày người dân thu nhập từ 80 đến 100 nghìn đồng. Đến nay thu nhập bình quân trên đầu người của xã là 29 triệu đồng/người/năm, vượt kế hoạch đề ra.

Có thể nói, bên cạnh quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương thì sự đồng thuận của người dân sẽ quyết định phong trào XDNTM có thành công hay không, như Bác Hồ đã từng dạy: “Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

Cổng thông tin Đồng Tháp