Đồng Tháp phát huy vai trò thanh niên xung kích trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 08/04/2013 20:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các hoạt động tuyên truyền về NTM được triển khai thực hiện, thông qua các mô hình hay, hiệu quả của thanh niên, các hội nghị, Website, tài liệu sinh hoạt Đoàn - Hội, cơ quan truyền thông của địa phương và ngoài tỉnh… đã kịp thời giới thiệu cho thanh niên toàn tỉnh học tập và ứng dụng. Từ đó, các mô hình phát triển kinh tế được phát triển. Đến nay 100% huyện, thị, thành trong tỉnh đều có mô hình Tổ hợp tác thanh niên trên lĩnh vực nông nghiệp góp phần tham gia xây dựng NTM (tiêu chí 13). Qua đó, giúp thanh niên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng và phát triển nông thôn.
Tổ hợp tác (THT) máy gặt đập liên hợp của thanh niên xã Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) là một trong những THT đầu tiên hình thành trong chương trình thanh niên chung sức xây dựng NTM. Ngay từ đầu thành lập, các thành viên trong tổ đã gặp phải không ít khó khăn về vốn. Thời điểm này, giá thành một máy gặt đập liên hợp khoảng 500 triệu đồng, việc mua một máy gặt đập liên hợp mới hoàn toàn vượt quá khả năng huy động vốn của tổ. Tuy nhiên, với vai trò xung kích, bằng sức trẻ và sự sáng tạo của thanh niên, các thành viên trong tổ quyết định hùn vốn mua máy suốt và máy gặt liên hợp đã qua sử dụng để hoạt động. Một vài anh em có kinh nghiệm về cơ khí, tổ đã cải tiến một số thiết bị của máy cho phù hợp với điều kiện đồng ruộng tại địa phương. Kết quả, THT máy gặt đập liên hợp thanh niên xã Phú Điền không chỉ hoạt động phục vụ nhu cầu thu hoạch lúa của bà con nông dân địa phương, mà còn mở rộng hoạt động sang các xã lân cận, được đông đảo người dân biết đến. Để phát triển hơn, tổ lập dự án xin vay vốn và được duyệt vay số tiền gần 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn để mở rộng sản xuất. Tổ đầu tư vốn mua thêm 1 máy gặt đập liên hợp mới, tự chế 1 máy để chở lúa của người dân từ ruộng đến phương tiện chuyên chở; đầu tư mua phà (phương tiện di chuyển máy) mở rộng phạm vi hoạt động của máy... Qua thời gian hoạt động, đến nay THT máy gặt đập của thanh niên xã Phú Điền đã phát triển gần 30 thành viên tham gia, lợi nhuận thu được mỗi năm trên 200 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi thành viên 2,5 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Nhờ sự định hướng, hỗ trợ của tổ chức Đoàn mà đoàn viên, thanh niên tại xã đã thành lập THT hoạt động hiệu quả. Dự định sắp tới của anh em trong tổ là sẽ trang bị thêm các loại phương tiện cơ giới khác, nâng hiệu quả hoạt động của tổ để thành lập tổ hợp tác đa dịch vụ nông nghiệp.
Để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nhàn rỗi, đặc biệt là thanh niên được Đoàn Thanh niên xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh đưa ra sáng kiến thành lập THT phun xịt thuốc. Tổ hành lập từ tháng 8-2012 gồm 10 thành viên với 10 máy phun xịt, tổng số vốn 60 triệu đồng (trong đó 50% vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Qua quá trình hoạt động, tính đến nay, THT đã phun xịt hơn 4.000 bình thuốc, với giá phun xịt 10.000đ/bình, trừ các chi phí THT thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập thêm của các thành viên trong tổ, hiện nay Tổ đã có gần 20 thanh niên tham gia vào tổ hợp tác phun xịt. Không chỉ tổ chức hoạt động dịch vụ phun xịt thuốc trên lúa cho bà con nông dân tại xã, mà tổ hợp tác còn mở rộng hoạt động ra các xã lân cận...
Từ những kết quả của mô hình Tổ hợp tác máy gặt đập liên hợp của thanh niên xã Phú Điền, Tổ hợp tác phun xịt xã Mỹ Thọ đã lan tỏa trong phong trào thanh niên chung sức xây dựng NTM trong tỉnh Đồng Tháp với những mô hình, việc làm thiết thực, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn Đồng Tháp tiếp tục phát huy tính xung kích của thanh niên thực hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác hơn nữa, phát huy sức trẻ, bản lĩnh thanh niên, thực hiện hiệu quả khẩu hiệu: "Tuổi trẻ Đồng Tháp xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện tiêu chí 12 về đào tạo và cơ cấu lực lượng lao động. Từ đầu năm 2012 đến nay, trong toàn tỉnh đã có gần 60.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia tư vấn giới thiệu việc làm và đã có trên 33.000 ĐVTN được giải quyết việc làm.
Theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh Đồng Tháp, việc xây dựng NTM cần sự chung tay đóng góp của nhiều cá nhân tổ chức trong xã hội, nhất là lực lượng thanh niên trong nông thôn, vì đây là lực lượng trẻ, khỏe, năng động đầy nhiệt huyết. Với những cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả cùng với sự quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, trong thời gian tới, tuổi trẻ tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích, đóng góp có hiệu quả trong công cuộc xây dựng NTM tại địa phương.
HUỲNH PHÚC HẬU (TTXVN)