Đông Thọ Phát triển kinh tế tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đông Thọ (Thành phố Thái Bình) luôn chú trọng phát triển cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ, từ đó tạo nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mô hình nuôi lợn rừng ở hộ gia đình anh Nguyễn Văn Phong thôn Lam Sơn, Đông Thọ, (Thành phố Thái Bình).
Năm 2012, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế đồng đều và toàn diện, Đông Thọ vẫn đạt giá trị sản xuất 142,4 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp 37,5 tỷ đồng, công nghiệp – xây dựng 54,34 tỷ đồng và thương mại – dịch vụ 50,56 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Cao Luyện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với đặc thù là xã thuần nông, những năm qua, Đông Thọ luôn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị trồng trọt. Việc hoàn thành dồn điền đổi thửa với số thửa bình quân 1,72 thửa/hộ đã giúp nông dân ngày càng mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân ở các thôn Quang Trung, Trần Phú, Lam Sơn đã đưa những giống lúa chất lượng và năng suất cao vào gieo cấy, đồng thời chuyển đổi từ gieo cấy truyền thống sang phương thức gieo sạ, góp phần nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất lúa. Chính vì thế, năng suất lúa hàng năm ở Đông Thọ năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2012 đạt 126 tạ/ha, tăng 11 tạ/ha so với năm 2011.
 
Bên cạnh đó, Đông Thọ còn tích cực chuyển đổi 15,5 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao với giá trị sản xuất bình quân ước đạt 220 triệu đồng/ha/năm. Trong chăn nuôi, toàn xã đã hình thành 2 trang trại và 20 gia trại, từ đó đưa con vật nuôi mới vào thử nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng đồng chí cán bộ xã, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lợn rừng ở hộ gia đình anh Nguyễn Văn Phong (thôn Lam Sơn). Với diện tích hơn 1,5 mẫu, một phần diện tích anh xây 3 chuồng nuôi lợn rừng còn lại để nuôi lợn thịt, nghé và đào ao thả cá. Do có người quen giới thiệu nên năm 2010, anh Phong đã mang về nuôi thử 4 con lợn rừng.
 
Vừa nuôi vừa tìm tòi học hỏi kỹ thuật, đến nay, gia đình anh Phong đã tự nhân giống mở rộng mô hình nuôi lợn rừng lên 40 con. Anh Phong cho biết: Đây là loại vật nuôi đơn giản, thức ăn chủ yếu là cơm, cám, khoai và cỏ; tuy thời gian nuôi dài, phải mất 1 năm mới có thể xuất bán được (trọng lượng trung bình khoảng 30 kg/con) nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình 140 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 180 nghìn đồng/kg.
 
Không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp, Đông Thọ còn được biết đến với làng nghề sản xuất miến dong nổi tiếng từ bao đời nay. Ngoài việc duy trì làng nghề truyền thống, Đông Thọ tích cực phát triển nghề mới như: mộc, cơ khí, hàng mã tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động. Nhờ đó, những năm gần đây, đời sống của nhiều hộ gia đình không ngừng tăng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chỉ còn 4,14%. Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng ngày càng phát triển. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trong năm, UBND xã đã tổ chức 2 đợt kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn, đồng thời tổ chức ký cam kết với các chủ hộ kinh doanh về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Kinh tế ngày càng phát triển đã tạo nguồn lực giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Từ nguồn vốn do Trung ương, tỉnh, Thành phố hỗ trợ và nguồn vốn huy động của địa phương, nhiều công trình, hạng mục công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Trường THCS, đường giao thông số 4 thuộc khu trung tâm xã, Trạm Y tế, điểm chứa rác trung chuyển, đường liên thôn cầu Đá đi xã Đông Hòa...
 
Trong quá trình triển khai, không chỉ có sự vào cuộc của hệ thống chính trị mà nhân dân trong xã cũng tích cực hưởng ứng. Đến tháng 12/2012, toàn xã có 116 hộ hiến đất làm đường giao thông trục thôn với tổng diện tích 7.416 m2, tổng tài sản trên đất hiến trị giá trên 2,5 tỷ đồng (bao gồm 1 nhà 2 tầng, 17 công trình phụ, 21 cổng dậu và 300 m kè ao); nhân dân góp hơn 1 tỷ đồng nâng cấp 3 nhà văn hóa thôn; phát động nhân dân hiến trung bình 15,3 m2/sào để hoàn thành dồn điền đổi thửa... Với sự vào cuộc tích cực đó, đến nay, Đông Thọ đã hoàn thành 13/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí.
 
Mục tiêu năm 2013, Đông Thọ phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất 156,3 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%. Trong xây dựng NTM, Đông Thọ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về trường học, chợ nông thôn và cơ sở vật chất văn hóa; hoàn thành 50% tiêu chí giao thông. Khó khăn trước mắt còn nhiều song với kinh nghiệm sẵn có, Đông Thọ quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, từ đó đóng góp vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và Thành phố.
Bài, ảnh: Minh Hương (baothaibinh.com.vn)