Đồng bằng sông Cửu Long: Chú trọng phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 27/02/2014 01:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quang cảnh hội nghị |
Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Hội nghị này là cơ hội để các địa phương thảo luận, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long; trao đổi về hoạt động phối hợp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình của các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng; đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để thực hiện chương trình đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 03 năm qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã huy động khoảng 121.340 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách chiếm 31,2%; vốn tín dụng chiếm 47,3; vốn từ các doanh nghiệp chiếm 4,3%; vốn trong cộng đồng dân cư chiếm 17,2%. Đến cuối năm 2013, bình quân các xã trong vùng đã đạt 9,23 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. So với năm 2011, các tỉnh, thành phố trong vùng đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới tăng khá so với mức bình quân chung cả nước (từ 03 tiêu chí trở lên); xóa được xã “trắng” do không đạt tiêu chí nông thôn mới. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực cao trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các cấp ủy, chính quyền và người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của các bộ, ngành trung ương tại Hội nghị, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, 03 năm qua nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những cách làm sáng tạo trong huy động nguồn vốn để thực hiện các công trình. Cụ thể như tỉnh Hậu Giang đã huy động được hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 43% để nâng số xã có đường ô tô về đến trung tâm xã đạt 96%; tỉnh Cà Mau đã huy động nguồn lực xã hội để hoàn thành đề án 1.588 cầu giao thông nông thôn; tỉnh Bến Tre huy động nguồn lực từ trong dân và các nhà tài trợ để xây dựng hàng ngàn cây cầu bê tông… Đây là những kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Huy Ngọ, Cố vấn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng mới, khẳng định: “Việc khơi dậy nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới là một điểm sáng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực tiễn việc xây dựng nông thôn mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua cho thấy, khi đời sống của người dân nông thôn khá hơn thì việc vận động thực hiện các tiêu chí cũng dễ dàng hơn. Vì vậy, cần lấy việc nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm mục đích cơ bản của chương trình xây dựng nông thôn mới".
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tại Hội nghị, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, cái khó nhất vẫn là nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, bình quân mỗi xã cần đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để đạt được 19 tiêu chí xã nông thôn mới. Trong khi đó, nguồn vốn được phân bổ dàn đều ở mức mỗi xã khoảng 1 tỷ đồng như hiện nay là quá ít. Mặt khác, nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị chia cắt bởi hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt; nền đất yếu, trình độ dân trí còn thấp; cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao; hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, còn thiếu và yếu; mức sống của một bộ phận dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu… Đây là những tác nhân làm chậm tiến trình xây dựng nông thôn mới trong vùng. Đến nay, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh Tiền Giang (39 xã); Bến Tre (7 xã); Cà Mau (10 xã)…
Cùng với việc đánh giá tổng quan kết quả 03 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hội nghị còn tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hay; đề xuất các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới./.
Thanh Giang
Nguồn: tapchicongsan.org.vn
Nguồn: tapchicongsan.org.vn