Động lực đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới

Động lực đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới
Liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà Khoa học - Nhà nước) hiện được coi là “chìa khoá” để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo lực đẩy để đưa lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiến nhanh hơn, vững chắc hơn.

 

(Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)

- Có ý kiến cho rằng, việc thúc đẩy liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp sẽ là động lực quan trọng để đẩy nhanh lộ trình xây dựng NTM tại các địa phương? Đồng chí nhận định như thế nào về ý kiến này?

+ Đúng như vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh xác định vai trò người dân là chủ thể, bên cạnh đó một lực lượng rất quan trọng đó là doanh nghiệp đã đồng hành trong việc phối hợp với các địa phương để xây dựng các vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… góp phần phát triển sản xuất bền vững và đó chính là động cơ, động lực để thực hiện cuộc cách mạng trong xây dựng nông thôn mới với vai trò toàn xã hội chung sức xây dựng nông thôn mới.

Liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp ở đây được hiểu là Nhà nông - Nhà Doanh nghiệp - Nhà Khoa học - Nhà nước. Các “nhà” này có mối quan hệ rất mật thiết, thúc đẩy và chi phối nhau. Sự gắn bó của các “nhà” này càng tốt, càng chuyên nghiệp thì càng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo chuyên môn hoá cao, tạo giá trị hàng hoá nông sản cao hơn. Do vậy, trong khi Trung ương chưa ban hành thì Quảng Ninh đã chủ động ban hành một số cơ chế chính sách riêng tạo hành lang pháp lý phục vụ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, thúc đẩy liên kết mạnh mẽ “4 nhà” trong nông nghiệp như: Quy định quản lý, sử dụng vốn đầu tư thuộc lĩnh vực KH&CN; hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh… Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong 5 năm qua, tỉnh đã dành khoảng 550 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra Dự án trồng hoa lan cao cấp tại xã Sơn Dương (Hoành Bồ). Ảnh: Hữu Việt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra Dự án trồng hoa lan cao cấp tại xã Sơn Dương (Hoành Bồ). Ảnh: Hữu Việt

Đáng chú ý, trong chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP của tỉnh thời gian qua đã thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác hình thành và phát triển để chế biến gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, qua đó tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã có 220 tổ hợp tác (với tổng số 2.420 thành viên), 291 hợp tác xã (với tổng số trên 180.000 xã viên) và thành lập mới theo hướng cộng đồng, liên kết sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Long, Công ty Dung Huy, Thiên Thuận Tường, Long Hải, Tùng Thắng...

Để thúc đẩy ứng dụng KHKT khu vực nông nghiệp nông thôn, tỉnh đã tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh. Hội thi đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia: Đã có trên 180 sáng kiến giải pháp tham dự, trong đó có nhiều giải pháp đã và đang được áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy, hiện nay vẫn còn những khó khăn trong việc liên kết “4 nhà” tại Quảng Ninh. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những khó khăn đó?

+ Khó khăn thứ nhất theo tôi là việc liên kết nông dân với nông dân thời gian qua chưa tốt. Nông dân vẫn mạnh ai người ấy làm, chưa tổ chức theo quy trình sản xuất chung trên từng cánh đồng lớn. Hiện quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại của nông dân chưa được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hoá. Ngoài ra, một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn yếu về năng lực và trình độ nên chất lượng tham mưu văn bản chính sách và tính chủ động còn hạn chế. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức tới lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. Sự phối hợp của các ngành,các cấp, các đoàn thể ở địa phương… chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân thứ 2 là do liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chưa bền vững. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thu gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói, gia công nhưng không mang thương hiệu của doanh nghiệp, hoạt động mang tính thời vụ, không ổn định vì vậy những doanh nghiệp này khó có lực để liên kết với nông dân. Số hợp tác xã, doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện việc thu mua, tiêu thụ nông sản cho người nông dân lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khó khăn nữa là khâu chế biến nông sản ở tỉnh ta cũng vẫn còn hạn chế, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh nghiệm sản xuất, việc thực hiện cam kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân cũng xuất hiện một số vấn đề khó khăn, bất cập.

- Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo đồng chí, tỉnh cần phải thực hiện những giải pháp nào?

+ Trong liên kết bốn nhà, tôi cho rằng chính quyền các cấp giữ vai trò rất quan trọng, cần sâu sát hơn nữa, có chính sách tốt hơn nữa, bên cạnh việc tuyên truyền cho nông dân hiểu, cần tiếp tục khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào một số lĩnh vực lợi thế, sản phẩm chủ lực của từng địa phương, vùng… Cần rà soát lại cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, đồng thời thực hiện một cách đầy đủ, thiết thực và hiệu quả các cơ chế chính sách đó theo hướng hỗ trợ đầu tư có điều kiện và tái thu hồi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết vào nông nghiệp, nông thôn.

Các cơ quan hữu quan, địa phương, cần tập trung tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ các tổ hợp tác, HTX hỗ trợ nông dân trong mối liên kết này để khắc phục điểm yếu trong liên kết ngang giữa nông dân với nông dân thì liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân mới có tiến triển tốt. Nơi nào đủ điều kiện về diện tích thì phải thúc đẩy hợp tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, “cánh rừng” mẫu lớn, vùng nuôi thuỷ sản lớn… để sản xuất một sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai mô hình cho vay liên kết thực hiện chuỗi sản phẩm trong sản xuất một số ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn mà trước hết là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, lưới điện; phát triển nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ: Nhà kho, sân phơi, lò sấy, kho lạnh... để các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng. Chúng ta rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng thực hiện trong một dự án, đồng thời có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước thì liên kết “4 nhà” mới thành công. 

- Xin cảm ơn đồng chí!

Theo: baoquangninh.com.vn