Động lực trong xây dựng nông thôn mới ở Thiệu Hóa
- Chủ nhật - 29/03/2015 01:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhân dân tình nguyện hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, ủng hộ tiền, góp công xây dựng các công trình cộng đồng cùng hưởng lợi. Tiêu biểu như nhân dân xã Thiệu Châu, Thiệu Giang, Thiệu Long, Thiệu Phúc, Thiệu Thành hiến hàng nghìn m2 đất nắn tuyến, mở rộng đường giao thông, khuôn viên nhà văn hóa thôn. Con em xa quê ủng hộ từ 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng để xây các công trình phúc lợi công cộng, kiến thiết quê hương. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đóng góp một ngày lương trở lên; các đoàn thể chính trị-xã hội trong huyện hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng NTM bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Qua bốn năm, nhân dân đã góp hàng trăm tỷ đồng; cán bộ, công chức, viên chức trong huyện đóng góp gần 1 tỷ đồng mua xi-măng hỗ trợ các xã xây nhà văn hóa. Toàn huyện đã bê-tông hóa 542,75 km đường giao thông, 98,8 km kênh mương nội đồng; xây mới hai chợ nông thôn, ba khu trung tâm văn hóa xã; làm mới, nâng cấp tám trụ sở xã, 10 trạm y tế, 52 nhà văn hóa thôn, 3.844 nhà ở dân sinh, 37 trạm biến áp, 62,24 km đường dây điện cao thế, hạ thế; 228 phòng học cùng sân thể dục, đường chạy, vườn cổ tích, tường rào...
Tạo thêm động lực cho phong trào xây dựng NTM, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Thiệu Hóa chỉ đạo du nhập giống lúa, ngô lai vào sản xuất. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ớt, dưa bao tử, cây dâu tằm, trồng rau an toàn từng bước nhân rộng, chuyển đổi 230 ha đồng trũng sang nuôi cá, kết hợp trồng lúa. Tiến tới cơ giới hóa đồng bộ ngành trồng trọt, nhân dân trong huyện mua sắm 146 máy gặt, 23 máy cấy, sản xuất mạ khay ở bảy cơ sở, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ đi đôi với tăng cường đầu tư thâm canh nâng cao giá trị, thu nhập trên ha canh tác. Năm 2014, huyện Thiệu Hóa tập trung chỉ đạo sản xuất rau an toàn, quy mô 9 ha tại thị trấn Vạn Hà và xã Thiệu Tân; cải tạo, trồng mới được 31,54 ha dâu ở sáu xã. Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học ở xã Thiệu Viên và xã Thiệu Phú; mô hình trồng, nhân giống hoa chất lượng cao tại xã Thiệu Duy phát triển tốt. Toàn huyện có 382 trang trại; các gia trại, trang trại tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả. Thiệu Hóa từng bước khôi phục, mở rộng, phát triển nghề đúc đồng truyền thống ở xã Thiệu Trung; nghề làm bánh đa, bánh đa nem ở xã Thiệu Châu; nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, dệt nhiễu. Nghề mộc, nề, chế biến lương thực tiếp tục duy trì, phát triển. Bên cạnh đó, nghề mây giang xiên, tre đan mới du nhập thu hút, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở một số xã; nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu tại địa bàn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn. Đến hết năm 2014, bình quân toàn huyện đạt 14,3 tiêu chí/xã, tăng 8,6 tiêu chí so với thời điểm khởi đầu triển khai xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng dần lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người, tăng 6 triệu đồng/người so với năm 2011. Toàn huyện có 85% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 89% số thôn, làng đạt danh hiệu thôn văn hóa ; 71% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định; 13 xã đạt chuẩn y tế giai đoạn II. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền.
Theo: nhandan.org.vn