Đóng mới tàu cá công suất lớn: Cần hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Những năm qua, nghề khai thác hải sản nước ta hoạt động ngày càng kém hiệu quả do chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau, một trong những yếu tố đó là công suất hầu hết các tàu cá thấp chỉ khai thác ven bờ.
Cần quy hoạch nghề khai thác hải sản để việc phát triển tàu cá bền vững.

Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có nhiều gói tín dụng hỗ trợ ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ. Tuy nhiên, việc đóng tàu mới ồ ạt nhiều tàu cá công suất lớn mà chưa tính đến việc quy hoạch chi tiết ngành nghề khai thác, cũng như chưa có các nghiên cứu sản lượng cho phép khai thác tối ưu ở từng vùng có thể khiến cho nghề khai thác hải sản phát triển kém bền vững.

Hỗ trợ phát triển đội tàu công suất lớn

Hiện nay, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trong lĩnh vực khai thác hải sản đang được các địa phương tích cực triển khai thực hiện và được ngư dân đồng tình ủng hộ. Tại Tiền Giang, trong danh sách đủ điều kiện để vay vốn đóng mới tàu cá lần đầu có đã có 29 tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt và các ngân hàng thương mại cũng đã tiếp cận các chủ tàu cá này để thực hiện các thủ tục cho vay theo quy định.

Trong đó, ông Nguyễn Thành Trãi, chủ DNTN Phước Nghi và ông Đàm Văn Qui cùng ngụ ở phường 2, thành phố Mỹ Tho là hai chủ tàu được Ngân hàng Công thương - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang ký hợp đồng cho vay đóng mới 02 tàu vỏ gỗ công suất 400 CV hành nghề lưới rê đầu tiên của tỉnh với tổng giá trị đầu tư đóng mới 2 tàu cá này khoảng 20 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Công thương tỉnh sẽ hỗ trợ vốn vay bằng 70% giá trị của hai tàu cá (khoảng 14 tỷ đồng) trong thời gian vay 11 năm. Tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay với lãi suất trong năm đầu tiên là 7%/năm, bao gồm cả khoản lãi suất được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay Nghị định 67 đã triển khai thực hiện được hơn 8 tháng; kết quả có 628 tàu cá đăng ký đóng mới (trong đó có 267 tàu vỏ thép, 317 tàu gỗ 44 tàu vật liệu mới) và có có 80 tàu cá đăng ký nâng cấp. Hiện có 31 chủ tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp được các ngân hành thương mại ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn với tổng số tiền vay đạt 271 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 11 năm, mức cho vay 60-95% tổng trị giá con tàu.

Để ngư dân tiệp cận dễ dàng hơn các chính sách, tại Hội nghị trực tuyến về triển khai thực hiện Nghị định 67 ngày 24/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã kiến nghị cho phép ngư dân đã có tàu công suất từ 400 Cv trở lên được vay vốn mua ngư lưới cụ, thiết bị khai thác và gia cố vỏ tàu mà không bắt buộc phải thay máy mới. Ngoài ra, việc điều chỉnh thiết kế tàu cá phù hợp với tập quán của bà con cần được đẩy nhanh hơn và có quy định về việc nhập khẩu, sử dụng máy cũ cho tàu cá...

Cần quy hoạch đội tàu khai thác hải sản

Đến nay, Nghị định 67 của Chính phủ đã đi vào đời sống ngư dân, được ngư dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc đóng ồ ạt tàu công suất lớn nhưng chưa có quy hoạch chi tiết ngành nghề, trữ lượng, vùng biển khai thác có thể sẽ khiến nghề khai thác hải sản phát triển kém bền vững.

Theo PGS.TS Trần Gia Thái, Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - Đại học Nha Trang, hiện nay đội tàu đánh cá của Việt Nam có khoảng 120.000 tàu nhưng lại có đến 90% là tàu vỏ gỗ có chiều dài dưới 25 m, trang bị đơn giản và thiếu đồng bộ. Do đó, chủ trương của nhà nước đầu tư, hỗ trợ phát triển đội tàu đánh cá vỏ thép, công suất lớn là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Mặc dù vậy, đội tàu vỏ thép, công suất lớn là loại tàu đánh bắt xa bờ có thể khai thác ở nhiều tầng nước khác nhau. Chính vì thế, nếu không có những nghiên cứu, điều tra đầy đủ về trữ lượng thủy sản có thể khai thác và quy hoạch chi tiết ngành nghề khai thác có thể sẽ trở thành mối nguy cho sự phát triển của nghề khai thác hải sản trong tương lai. Bởi, với kế hoạch đóng 3.000 tàu vỏ thép, công suất lớn một cách ồ ạt như hiện nay thì nguồn lợi hải sản trong tương lai có thể sẽ không đủ để khai thác, hiệu quả đánh bắt hải sản sẽ giảm.

TS Phạm Hồng Mạnh, Khoa Kinh tế - Đại học Nha Trang cho rằng chính sách hỗ trợ tín dụng giúp ngư dân đóng mới tàu cá vỏ thép, công suất lớn cần phải xác định được đối tượng cho vay đóng mới là tàu vỏ thép, vỏ gỗ hay vật liệu khác; đồng thời phải xác định được số lượng các tàu cá đóng mới cho từng ngành nghề khai thác bao nhiều là phù hợp.

Tại hội thảo “Vì sự phát triển bền vững của nghề cá” được tổ chức tại Đại học Nha Trang vừa qua, ông Nguyễn Huy Điền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng đồng tình rằng cần nghiên cứu, điều tra sản lượng các loài thủy sản để quy hoạch số lượng các loại tàu cá cần đóng phù hợp theo từng loại nghề khai thác hải sản để đảm bảo nghề khai thác hải sản phát triển bền vững.