Đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Đồng thuận xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 5 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), từ một xã nghèo đến nay đời sống của người dân xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh từng bước được cải thiện, diện mạo NTM khởi sắc. Kết quả trên có được là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ xã trong việc thực thi, giám sát các công trình phúc lợi trong xây dựng NTM tại địa phương.

Xây dựng đường giao thông nông thôn mới.

Giám sát xây dựng NTM

Thành công trong tiến trình xây dựng NTM tại xã Hoàng Tân có lẽ ấn tượng nhất đó là những sáng kiến, cách làm và những đóng góp của Hội Phụ nữ xã. Không chỉ đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhân dân tham gia hiến đất làm đường, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, Hội Phụ nữ xã Hoàng Tân còn biết khai thác, phát huy vai trò, thế mạnh trong công tác giám sát và phản biện xã hội khi xây dựng NTM. 

Làm thế nào để tất cả các hộ dân trong thôn chủ động, tích cực tham gia góp tiền của, ngày công làm đường với tâm lý thoải mái nhất, hiệu quả cao nhất đó là câu hỏi luôn ám ảnh trong tâm thức của chị Nguyễn Thị Phương Oanh- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hoàng Tân, thành viên ban vận động xây dựng NTM xã. Trước những băn khoăn đó chị đã tìm ra lời giải cho những trăn trở của mình đó là công khai, dân chủ, trao quyền tự quản và giám sát cho chính các hộ dân đồng thời huy động sự tham gia của hội viên phụ nữ trong hoạt động giám sát. 

Để triển khai ý tưởng của mình, chị Oanh đã đăng ký với địa phương để Hội Phụ nữ đảm nhận quản lý, xây dựng một đoạn đường liên thôn. Cùng với việc làm văn bản xin hỗ trợ xi măng làm đường, phối hợp với các chi hội phụ nữ trực tiếp vận động gia đình các hội viên tham gia đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất làm đường, Hội Phụ nữ còn lấy hội viên làm nòng cốt trực tiếp đứng ra giám sát việc làm đường của các đơn vị thi công. 

Để việc giám sát thuận lợi, có hiệu quả, Hội Phụ nữ đã đề nghị được cung cấp các thông số kỹ thuật, khối lượng nguyên liệu làm bê tông như cát, đá dăm, xi măng, độ dày, chiều cao và chiều rộng con đường… rồi cung cấp, hướng dẫn cho những chị em trực tiếp giám sát. 

Được giám sát việc sử dụng chính nguồn tiền của mình đóng góp và giám sát chính con đường mình sẽ đi nên mọi người rất hào hứng tham gia. Để làm tốt việc này, các chị em cắt cử, phân công và thay phiên nhau giám sát việc thi công đường. 

Chị Oanh cho biết: Khi lấy xi măng về, Hội Phụ nữ còn để nhờ các nhà dân nằm rải rác trên từng đoạn đường, đảm bảo đường làm đến đâu có xi măng đến đó. Nguồn tiền huy động được trong dân cũng được giao cho một hộ gia đình có uy tín trong thôn giữ. 

Khi Hội cần tiền chi tiêu mua nguyên vật liệu hoặc trả tiền công thợ Ban vận động phải xây dựng kế hoạch cụ thể mới lấy được tiền. Khi đường làng ngõ xóm được hoàn thiện, Hội Phụ nữ cũng chủ trì phối hợp với chính quyền, Ban vận động và các chi hội phụ nữ mở hội nghị thanh quyết toán công khai, dân chủ nguồn thu – chi. Chính sự cẩn thận trong cách làm, cách giám sát đã giúp Hội Phụ nữ gây dựng được sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với tổ chức Hội. 

“Thậm chí đến thời điểm này khi mà Hoàng Tân đã về đích xây dựng NTM với hơn 90% đường trên địa bàn xã được bê tông hóa từ nguồn vốn đóng góp trong nhân dân thì vẫn còn nhiều hộ gia đình tìm đến Hội phụ nữ đặt vấn đề tiếp tục ủng hộ xi măng, góp tiền để làm nốt những đoạn đường còn lại”- chị Oanh nhấn mạnh. 

Đến ngày hái trái ngọt

Không chỉ giám sát chính những đoạn đường mình nhận quản lý, Hội Phụ nữ Hoàng Tân còn phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tham gia vận động xây dựng giám sát 17 tuyến đường thôn, xóm, trực tiếp tổ chức 3 cuộc giám sát làm đường ở các thôn khác. Hội Phụ nữ cũng trực tiếp làm việc với các hộ gia đình và cấp ủy chi bộ, thôn trưởng về việc được hỗ trợ xi măng, kiểm tra bề dày, chiều dài, chiều rộng của đoạn đường… 

Bên cạnh việc làm tốt các hoạt động giám sát xây dựng NTM thì những hoạt động khác trong công tác an sinh xã hội cũng được Hội Phụ nữ coi trọng, nhất là việc giám sát bảo đảm quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, gia đình chính sách… với những cách làm phù hợp, hiệu quả. Trong giám sát việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, Hội Phụ nữ cũng linh hoạt huy động sự tham gia của đội ngũ Chi hội trưởng kiêm cộng tác viên dân số. Khi tham gia giám sát hoạt động này, Hội cũng quy định hàng tháng đội ngũ Chi hội trưởng phải báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ của người cộng tác viên dân số, chỉ đạo các chi, tổ phụ nữ thường xuyên rà soát, nắm bắt kịp thời các cháu dưới 6 tuổi chưa có BHYT. Qua giám sát, Hội đã phát hiện 5 trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT và 6 trường hợp thẻ BHYT bị sai tên họ để kịp thời đề xuất, kiến nghị đổi lại thẻ cho các trường hợp sai sót. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân cho biết, khi mới bắt tay xây dựng NTM, địa phương gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, nhờ tập trung đầu tư vào phát triển nông nghiệp đúng cách cùng với việc huy động sức dân chung tay xây dựng NTM đã giúp Hoàng Tân từng bước khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống. Đến nay, đời sống bà con Hoàng Tân không ngừng tăng lên với mức thu nhập trên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,87% năm.

Nhờ làm tốt các hoạt động giám sát, phản biện trong xây dựng NTM, Hội Phụ nữ xã Hoàng Tân đã ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong các hoạt động xã hội, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Việc làm trên đã giúp Hoàng Tân cán đích NTM sớm hơn so với dự kiến đặt ra.   

  Theo Lâm Nguyên/ Đại đoàn kết