Đột phá đầu tư nông nghiệp: Đòi hỏi bức thiết từ DN

Đột phá đầu tư nông nghiệp: Đòi hỏi bức thiết từ DN
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp thời gian tới sẽ mang tính “đột phá” và “sát thực tiễn” để doanh nghiệp yên tâm đầu tư

 

Nhiều ý kiến, bức xúc của DN nông nghiệpđã được lãnh đạo Bộ NN&PTNT ghi nhận. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, tổ chức ngày 3/12 tại Hà Nội, đã ghi nhận nhiều ý kiến “hiến kế” nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, đất đai, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ trong nông nghiệp…

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi một số nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ này là 55 - 60%.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ: 1 ha chanh leo hiện nay cho sản lượng 80 tấn, với giá bình quân là 8.000 đồng/kg, thu nhập của nông dân mới đạt 640 triệu đồng/ha. Nếu mở rộng được quy mô lên 10, 20 thậm chí 500 ha sẽ cho nông dân thu nhập rất cao.

Tuy nhiên, bất cập về chính sách đất đai hiện nay là nếu thu hồi đất làm khu công nghiệp thì thủ tục đơn giản, nhưng nếu thu hồi đất từ 10 ha trở lên để doanh nghiệp đầu tư thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

“Nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Chưa kể, các chính sách hiện nay còn nhiều bất cập”, ông Khuê nhận xét.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển Nông nghiệp Nông thôn chỉ rõ, đất đai và tín dụng là những rào cản chính của DN khi đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, về đất đai có đến 63% DN gặp khó khăn trong đó 46% rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% DN khó tiếp cận. Các lĩnh vực khác như bảo hiểm cũng có đến 82,5% DN chưa tiếp cận được; khó tiếp cận chính sách hỗ trợ về KHCN là 77%.

Sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp. Đầu tư theo hình thức đối tác côngtư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.

Đó chính là lý do vì sao cần phải tạo nên những đột phá, những chính sách mang tính thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về đất đai, về ứng dụng khoa học công nghệ, về tín dụng hay về đầu tư trong nông nghiệp, để đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

 

Đánh giá thực trạng của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng BNN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức rất lớn nếu không giải quyết được sẽ thụt lùi.

Đó là thực trạng sản xuất nhỏ lẻ dựa trên 12 triệu hộ nông dân với mỗi hộ chỉ có 0,3ha đất canh tác.

Biến đổi khí hậu toàn cầu với diễn biến thời tiết cực đoan ngày càng khó lường và căng thẳng, dẫn tới làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của sản xuất truyền thống.

Nông sản Việt Nam không chỉ cạnh tranh trên thị trường thế giới mà phải đối mặt với áp lực từ hàng nông sản nhập khẩu sau khi nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Hướng đi và lời giải cho việc cấu trúc lại nền sản xuất nông nghiệp, được người đứng đầu ngành nông nghiệp trao đổi là phải tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chú trọng khâu nào đem lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi sản xuất mà Việt Nam có thế mạnh.

“Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành tập trung trong thời gian ngắn nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT đang phối hợp các Bộ, ngành liên quan trong 1 thời gian ngắn sẽ chỉnh sửa, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới.

Bên cạnh đó, những “nút thắt” khác như: đất đai, tín dụng và ngân hàng, ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để ban hành những chính sách mang tính đột phá, tích cực và sát với thực tiễn để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn