Đột phá từ làm đường giao thông nông thôn

Đột phá từ làm đường giao thông nông thôn
Xác định tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Con Cuông đã tận dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huy động sức dân làm được 47,19/38 km, vượt 9,19 km so với yêu cầu, trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh về phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Vào xã Yên Khê hôm nay không còn phải đi trên con đường nhỏ hẹp, gồ ghề, mùa mưa thì lầy lội như trước đây, thay vào đó, đường vào các thôn bản giờ đây đã được đổ bê tông khang trang. 

Ông Nguyễn Viết Chinh, ở thôn Khe Tín cho hay: “Mấy tháng trước, nếu vô đây thì đi mô cũng gặp cảnh bà con thi nhau làm đường, ai cũng hăng say, phấn khởi, không kể thời gian. Để có những con đường rộng, ngay ngắn, nhiều gia đình phải dời cả hàng rào, phá cả chuồng trâu, nhà bếp, chặt đi không ít những cây cổ thụ…”. Ông Lương Trung Võ, ở bản Tờ, một trong những gia đình đã tự nguyện di dời tường rào để làm đường, cho rằng: Phải bỏ 20m bờ xây bằng táp lô cũng tiếc lắm, vì vừa mất công, vừa mất của, nhưng bữa ni có con đường ngay ngắn như ri thì phấn khởi lắm. Trước hết là mình và con cháu mình thụ hưởng, sau là góp phần cho làng xóm văn minh hơn”.

Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê phấn khởi cho biết: Xã có 9 thôn bản, chủ yếu là bà con dân tộc Thái, đời sống người dân còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hiểu rõ chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhất là làm đường bê tông, ai nấy đều phấn khởi. Ngoài xi măng được hỗ trợ, bà con rất tự giác trong việc đóng góp tiền mua cát, sỏi, huy động các thành viên trong gia đình cùng tham gia ngày công. Đến nay, xã đã đổ bê tông được trên 5km đường. 

Không riêng gì xã Yên Khê, xã Chi Khê đến nay cũng đã làm xong 9,7km đường giao thông nông thôn. Chị Kha Thị Tín, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lam Khê, cho biết: Ở thôn Lam Khê, các công việc như vận chuyển cát sỏi, san gạt bê tông… để làm đường không còn là việc của riêng đàn ông, mà chị em cũng tham gia rất nhiệt tình. 5h30 sáng đã í ới gọi nhau tập trung trộn hồ, trưa đứng bóng mới nghỉ, chiều lại làm tiếp. Tất cả đều ra quân với tinh thần tự nguyện cao. 

Cháu Hà Thị Lan, thôn Lam Khê, đi học tận Hà Nội vừa về nghỉ hè, phấn khởi: “Sau mấy tháng đi học về mà cháu thấy thay đổi hoàn toàn, đường sá trong thôn bản được phủ bê tông khang trang, sạch sẽ. Nghe nói đoạn đường qua trước gia đình cháu sắp tới cũng được đổ bê tông. Vì vậy, mọi người trong thôn vui lắm, gia đình nào cũng tự giác nộp tiền mua cát, sỏi, chỉ chờ mỗi xi măng”.

Ông Lữ Văn Chính - Bí thư Đảng ủy xã Chi Khê cho hay: Đảng bộ xã có 18 chi bộ trực thuộc, trong đó có 13 chi bộ nông thôn, 4 chi bộ trường học và 1 chi bộ cơ quan xã, với 261 đảng viên. Trong kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới, xã xác định đảng viên phải là người đi đầu làm gương. Nhờ đó, tạo được sự thống nhất cao trong toàn thể nhân dân, nhất là sự đồng thuận trong xây dựng hạ tầng giao thông. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Diện, tổ phó tổ giúp việc ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Con Cuông cho biết: Song song với việc triển khai đồng bộ 5 nội dung và 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu, huyện Con Cuông ưu tiên chỉ đạo các xã tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn. Theo đó, UBND huyện đứng ra vay xi măng, nhân dân đóng góp ngày công, tiền mua cát, sỏi… Đến nay, toàn huyện đã làm được 47,19/38 km, vượt chỉ tiêu 9,19 km. Trong đó, đi đầu phải kể đến các xã Chi Khê, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn, Lạng Khê...

 

Xây dựng đường giao thông nông thôn tại bản Boong, xã Lạng Khê. 

                                                                   Ảnh: Phùng Văn Mùi.


Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế việc triển khai làm đường giao thông nông thôn ở Con Cuông hiện còn khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chính là do thiếu nguồn kinh phí, thiếu xi măng. Vì vậy, tại các xã hiện nay, bên cạnh những con đường đã được đổ bê tông thông suốt, thì vẫn còn không ít những con đường đang thi công nhưng phải bỏ dở vì thiếu xi măng. Ông Lô Văn Bảy, ở thôn Lam Khê phàn nàn: Cát, sỏi bà con bỏ tiền mua, tập kết về lâu lắm rồi nhưng mãi không có xi măng để làm nên mưa xuống là tràn ra cả đường, vừa thất thoát, lãng phí, vừa khó khăn trong đi lại.

Thiết nghĩ, để sớm giải quyết khó khăn nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính địa phương huyện, xã trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục ra sức góp công, góp của, về phía tỉnh trên cơ sở phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật cần hỗ trợ xi măng đủ, kịp thời. Có như vậy, mục tiêu phấn đấu đến hết 2013 làm được 80 km đường giao thông nội thôn, dự kiến cần khoảng 16.000 tấn xi măng ở Con Cuông mới sớm hoàn thành, góp phần tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, trao đổi hàng hoá để phát triển kinh tế một cách bền vững, lâu dài.

Đặng Nguyễn
(baonghean.vn)