Dự án trồng khảo nghiệm cây dược liệu tại Tiên Yên: Chưa thành công như mong đợi
- Thứ hai - 21/12/2015 10:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 5/2015, huyện Tiên Yên triển khai dự án trồng khảo nghiệm cây dược liệu với 4 loại cây: Cà gai leo, diệp hạ châu, giảo cổ lam và dây thìa canh tại 3 thôn Hà Giàn (xã Đông Ngũ); Đồng Tâm, Pạc Sủi (xã Yên Than) với 27 hộ dân tham gia. Qua theo dõi cho thấy, 3 loại cây này có tỷ lệ sống cao, đạt từ 70-90%, cây phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, trong đó cây diệp hạ châu chiếm ưu thế hơn hẳn, đã cho thu và đạt hiệu quả kinh tế tương đối cao. Duy chỉ có cây giảo cổ lam không phù hợp, tỷ lệ sống đạt rất thấp, chỉ được 3%. Như vậy dự án trồng khảo nghiệm cây dược liệu của huyện Tiên Yên đến nay cho thấy đã có sự thành công bước đầu, đáp ứng mục tiêu đưa ra là khảo nghiệm giống cây dược liệu phù hợp với đồng đất Tiên Yên để nhân rộng. Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, dự án này đã có thể thành công hơn thế nếu như ngay từ đầu khắc phục được một số nhược điểm phát sinh trong quá trình triển khai dự án, đồng thời huy động được sự vào cuộc một cách tích cực, chủ động và trách nhiệm của người dân.
Diện tích diệp hạ châu tại thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ. (ảnh chụp thời điểm tháng 9/2015). Ảnh: Thanh Duyên |
Thực tế xác định trồng dược liệu là hướng phát triển mới và bền vững của người dân Tiên Yên, nên ngay từ sớm, huyện Tiên Yên đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho dự án này. Huyện đã lựa chọn các vùng đất có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, khoanh vùng diện tích, lập bản đồ giải thửa để trồng dược liệu. Công ty Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (đơn vị phối hợp huyện Tiên Yên triển khai dự án) cung ứng miễn phí toàn bộ cây giống và cam kết tiêu thụ sản phẩm; Chi nhánh vật tư nông nghiệp Tiên Yên chịu trách nhiệm cung ứng phân bón với tổng số là 16.372kg, trong đó huyện Tiên Yên hỗ trợ người dân 50% giá trị phân bón. Huyện Tiên Yên cũng hỗ trợ người dân một số thiết bị về điện nước phục vụ sản xuất dược liệu. Riêng về kỹ thuật, Công ty Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu bằng cách “cầm tay chỉ việc” ngay tại cánh đồng; tổ chức cho người dân đi tham quan các mô hình thực tế để nâng cao nhận thức, kỹ năng trồng trọt. Phòng NN&PTNT huyện cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân chăm sóc cây theo từng giai đoạn; phối hợp nắm diễn biến tình hình phát sinh sâu bệnh, kịp thời cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân phòng trừ khi có sâu bệnh xảy ra...
Mặc dù quyết tâm của huyện rất cao nhưng xem ra sự vào cuộc của người dân dường như chưa được mặn mà. Có thể thấy ngay từ ban đầu dự án lựa chọn thôn Đồng Và (xã Yên Than) để triển khai nhưng sau đó do người dân không tham gia nên phải chuyển sang thôn khác của xã là Đồng Tâm. Đến khi dự án được triển khai trên diện rộng tại cả 3 thôn của xã Yên Than và Đông Ngũ thì quy mô, diện tích trồng thực tế cũng không đạt được mục tiêu ban đầu, các hộ dân chỉ trồng được 4.000/11.302m2, bằng 28,3% kế hoạch. Trong quá trình chăm sóc, phát triển 4 loại cây dược liệu, người dân cũng chưa thực sự tập trung. Theo ông Hoàng Văn Quang, Trưởng Phòng NN&PTNT, người dân chưa đảm bảo quy trình làm đất, chưa xử lý sạch cỏ dại, vun luống thấp. Tại thôn Đồng Tâm (xã Yên Than), người dân chậm làm giàn cho cây dây thìa canh do vậy cây bị héo ngọn khi bò lan trên mặt đất. Riêng về việc đối ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như hạ tầng điện nước, hầu như người dân chưa thực hiện đầy đủ. Bởi vậy ở những giai đoạn sau này, diện tích trồng cây dược liệu ít được quan tâm chăm sóc, tưới nước, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời, làm giảm hiệu quả. Đơn cử như đối với cây diệp hạ châu, sau giai đoạn đầu tiên, khi cây nảy mầm cần được chăm sóc mạnh nhất thì người dân lại không bón phân (lúc này người dân phải tự đối ứng phân bón) bởi vậy chiều cao của cây khi thu hoạch thấp hơn 20cm so với quy trình; năng suất cũng giảm 72kg tươi/sào. Trong khi đó đối với các diện tích diệp hạ châu được chăm sóc tốt năng suất cao hơn quy trình 104kg tươi/sào. Sau khi kết thúc vụ diệp hạ châu đầu tiên, rất nhiều hộ dân trong dự án cũng không tiếp tục triển khai vụ trồng thứ 2.
Kết quả thực tế dự án trồng khảo nghiệm cây dược liệu tại huyện Tiên Yên cho thấy công tác vận động, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong quá trình tham gia dự án chưa thực hiệu quả. Người dân vẫn cần sự hướng dẫn, giám sát kỹ càng, liên tục hơn nữa trong cả quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu. Bên cạnh đó các phòng chức năng huyện Tiên Yên cũng chưa đánh giá sát và kịp thời điều chỉnh những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dự án, trong đó có việc người dân chậm đối ứng vật tư, phân bón, hạ tầng điện nước. Thực tế diện tích trồng dược liệu lần này tương đối nhỏ lẻ, các hộ tham gia dự án điều kiện kinh tế còn nghèo, chưa đủ lực để tự đầu tư trang thiết bị để sản xuất hiện đại, đấy là chưa nói tư duy và thói quen canh tác của họ lâu nay vẫn dựa vào tự nhiên là chính. Vì vậy, để nhân rộng và phát triển việc trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Tiên Yên sau này, lấy đây là hướng phát triển kinh tế lâu dài, bền vững và hiệu quả của huyện, các phòng chức năng huyện cũng nên đánh giá sát thực tế để có tham mưu đúng, trúng về công tác đầu tư, trong đó muốn sản xuất phát triển nhất thiết phải quy hoạch được những vùng sản xuất có diện tích canh tác lớn, đảm bảo về hạ tầng điện nước phục vụ sản xuất.
Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn