Du lịch Việt Nam, thoáng cảm nhận: Việt Nam có bốn vùng du lịch hấp dẫn và rất khác biệt
- Thứ tư - 26/10/2016 10:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1. Các tỉnh miền núi phía Bắc thích hợp nhất cho du lịch phượt. Đi phượt đích tới không quan trọng, chỉ là điểm mốc cho hành trình quay về. Cái thú vị của phượt là vun vút trên đường. Những cung đường khuất nẻo quanh co uốn lượn, lên dốc xuống đèo, xuyên rừng núi vô cùng hấp dẫn các tay phượt. Trên đường đã là du lịch. Đi và ngắm cảnh núi non hùng vĩ, rừng già nguyên sinh. Dừng xe trên những mỏm đèo ngắm toàn cảnh thung lũng bao la sâu hút tầm mắt, con đường mình vừa đi qua chỉ như sợi dây ngoằn ngoèo vương trên vách núi. Câu nói của nhà cách mạng Cu Ba, Che Guevara “Hạnh phúc nằm ở hành trình chứ không phải đích đến” có lẽ cũng đúng với đi phượt. Gần đây, dân phượt có thêm một nét văn hóa mới, thăm bản làng dân tộc, tặng quà cho người già trẻ con, uống rượu, hát với các cô gái lúng liếng đầy sắc màu trang phục.
Một trong những cung đường đẹp nhất miền núi phía Bắc là quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Lai Châu. Ra khỏi thị trấn Sa Pa hơn chục cây số, qua thác Bạc, con đường bắt đầu vắng xe, phong cảnh trở nên nguyên sơ huyền ảo. Phía đỉnh Phanxipan núi rừng ngập trong bồng bềnh mây trắng. Xe chạy cứ chốc chốc lại gặp mây tràn xuống đường như muốn níu xe lại với Sa Pa. Đến đỉnh Ô Quy Hồ mây mù đặc quánh lại, tầm nhìn không quá ba vòng bánh xe, ai nấy trong xe im phăng phắc. Mười hai con mắt căng ra nhìn phía trước như hỗ trợ lái xe dò đường. Ông Trương Quang Được, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, tả rất hay tâm trạng này trong lần đi Mèo Vạc “Lên Mèo Vạc / Đường khúc khắc / Xe lúc lắc / Đến chỗ ngoặt / Phanh trục trặc / Mặt nhìn mặt / Im phăng phắc”. Vượt qua đèo, sang phía Lai Châu, trời bừng sáng, cảm giác bước sang ngày mới. Mọi người trở nên dũng cảm, xôn xao. Cách một đỉnh đèo sang Lai Châu mà khí hậu đã khác. Không gian ngập tràn ánh nắng. Nắng qua kẽ lá như những chùm hoa nắng lung linh. Nắng thảm vàng trên lá rừng, hoa nắng nhấp nháy trên lá non theo nhịp bánh xe lăn. Đèo Ô Quy Hồ vắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm mây phủ là niềm đam mê chinh phục của dân phượt.
Cung đường nguy hiểm nhất là đường 4C lên cao nguyên đá Đồng Văn. Từ thành phố Hà Giang chỉ khoảng hai ba mươi cây số vào đường núi. Đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn bị hỏng xe phải bò tránh ổ trâu, ổ voi. Qua thị trấn Yên Minh, tuyến đường trở nên thực sự nguy hiểm, một bên vách núi dựng đứng, bên kia vực sâu thẳm, không có rào chắn an toàn. Gặp xe ngược chiều phải lùi đến quãng rộng để tránh nhau. Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu. Ôi toàn đá! rừng rừng đá hình thù vô cùng phong phú. Nhà của người dân bao quanh cũng bằng đá tai mèo xếp thành tường. Không thể hình dung con người sống được trên cao nguyên đá. Bạn sẽ rất xúc động trước cảnh người dân nơi đây gùi đất trồng ngô trên hốc đá, nhiều hốc đá chỉ đủ chỗ cho một cây ngô. Công sức bỏ ra nhiều mà thu hoạch chắc không được bao nhiêu.
Đi tuyến này cách đây đã năm năm, ấn tượng không thể quên là cung đường nguy hiểm và cuộc sống hiu quạnh khốn khó của bà con dân tộc nơi đây. Khi lập kế hoạch cho chuyến đi có rủ một người bạn, bạn bảo đi rồi, cho một trăm triệu cũng không đi nữa. Là tuyến đường nguy hiểm nên dân phượt máu phiêu lưu đều muốn ghi vào bộ sưu tập của mình như một niềm tự hào.
Ba điểm dừng nghỉ nên ghé thăm là dinh thự vua mèo họ Vương, cột cờ Lũng Cú và ngủ lại thị trấn cổ Đồng Văn có những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi để cảm nhận cái xa xưa còn lắng lại nới địa đầu đất nước.
2. Du lịch miền Tây Nam Bộ đặc trưng là sông nước. Cây xanh và nước ngự trị vùng đất này. Ngồi thuyền thư thái trên sông, tận hưởng sự êm đềm và gió mát trên sóng nước. Ghé thăm miệt vườn xum xuê cây trái, tự hái quả ăn ngay dưới gốc cây. Thưởng thức món ăn phong vị hoang sơ, cũng cần liều một tí, sâu Đuông tẩm nước mắm, cá rô nướng mọi, chuột đồng chiên, đặc biệt nồi lẩu cá linh bông điên điển mùa nước nổi thật khó quên. Nghe đàn ca tài tử. Bơi thuyền dưới tràm chim, ngẩng đầu lên, cành lá đầy tổ chim. Chắc chắn bạn sẽ quên hếtmọi ưu phiền và hiểu vì sao con người nơi đây mộc mạc, chân chất, hào sảng.
Du lịch miền Tây không nên đi theo quốc lộ 1, đi các con đường liên tỉnh mới thấy được vẻ đẹp thanh bình của những vùng quê trù phú, vườn cây trĩu quả, cánh đồng vàng mênh mông ngát hương lúa. Tôi đã có những chuyến lang thang vô định qua các tỉnh miền Tây. Rất thích tâm trạng đến bến phà khi chiều xuống. Đứng trên mũi phà, ngắm cảnh sông nước mênh mang lúc hoàng hôn, hít thật căng lồng ngực không khí mát rượi hương sông nước. Mơ về cuộc gặp xa xưa của thiếu nữ 16 tuổi Marguerite Duras với người đàn ông giàu có Huỳnh Thủy Lê trên chuyến phà qua sông Cửu Long. Một chuyện tình đầy lãng mạn và thực dụng ở Sa Đéc vào thập niên 20 thế kỷ trước.
Miền Tây chắc chắn quyến rũ dân thành phố, đặc biệt với người lớn tuổi không còn thích cuộc sống ồn ào đô hội. Một lần đến vùng đất mê hoặc này bạn sẽ yêu nó, nó sẽ ám ảnh suốt phần đời còn lại của bạn.
3. Trở về miền Trung đầy nắng gió. Nắng và gió như âm với dương tạo nên giá trị của dải đất này. Là những bãi biển, những vịnh đẹp nổi tiếng, Nha Trang, Đà Nẵng, Lăng Cô, Mũi Né... vịnh Cam Ranh, Vĩnh Hy, Vũng Rô.
Nắng, gió và biển nhưng mỗi nơi có nét quyến rũ riêng. Lăng Cô như cô gái mới lớn, vẻ đẹp hoang sơ mơ mộng, những khu nhà nghỉ nhỏ bé dưới rặng phi lao, bờ biển tự nhiên không xi măng kè đá, nước biển xanh ngọc, sóng biển cũng rụt rè e ấp. Nha Trang bãi biển phồn thịnh nhất Việt Nam, khách sạn hiện đại bao kín bờ, nhà hàng quán bar ngay trên bãi tắm. Do vậy, bãi biển này đang dần mất đi vẻ đẹp tự nhiên châu, của nó.
Hải sản vô cùng phong phú. Món ngao hấp không đâu ngon bằng Đà Nẵng, con ngao ở đây to, béo ngậy, gia vị mạnh, nhiều ít, sả và hương vị húng quế rất hợp. Con nhum (cầu gai) ăn sống với chanh tươi, được coi là thực phẩm số một cho đàn ông, có nhiều ở Nha Trang, Mũi Né. Nước biển Phan Rang mặn hơn vùng khác, do ở đây lượng mưa trung bình thấp, sông suối ít, nên hải sản cũng đặc biệt, tôm mũ ni, cua huỳnh đế là những hải sản thể hiện đẳng cấp của thực khách.
Đứng trước biển miền Trung bao giờ cũng có cảm xúc ngay lập tức lao mình lên sóng nước, nhảy nhót, vùng vẫy, ngụp lặn. Biển miền Trung như cô gái đẹp phơi mình trong nắng gió.
Nếu xét về giao thông thì Tây Nguyên là trái tim của Việt Nam. Lên Tây Nguyên có thể đi từ nhiều hướng.
Từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường này chạy dọc Tây Nguyên qua hầu hết các thành phố, thị xã nổi tiếng, đã đi vào lịch sử, về sự khốc liệt giao tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đắk Tô, Tân Cảnh, Kon Tum, Plei Ku, Buôn Ma Thuột.
Từ Sài Gòn qua Đồng Nai, theo quốc lộ 20 lên Đà Lạt. Là tuyến đường đẹp nhất lên Tây Nguyên. Đi tuyến này qua vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ với những miệt vườn cây trái, rừng cao su bạt ngàn chạy xe mấy chục cây số không hết.
Các tỉnh miền Trung ven biển đều có đường lên Tây Nguyên. Cung đường để lại nhiều tình cảm, suy ngẫm phải nói đến quốc lộ 27 từ Tháp Chàm qua đèo Ngoạn Mục nổi tiếng, con đèo đẹp như tên gọi của nó. Đi con đường này gợi nhớ nhiều về quá khứ, với tình cảm day dứt, kính trọng những người đầu tiên khai phá đại ngàn Tây Nguyên, góp phần biến miền đất hoang dã thành một vùng kinh tế lớn với thành phố Đà Lạt có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Thấy những gì còn sót lại, chiếc cầu đường sắt nhỏ xíu, nền đường đã bị cây cỏ che lấp, để nuối tiếc tuyến đường sắt răng cưa tuyệt đẹp lên Đà Lạt bị ngành đường sắt “bóc mất” đã hơn 20 năm nay. Cung đường này gắn với tên tuổi bác sĩ, nhà thám hiểm Yersin phát hiện cao nguyên Lang Biang hùng vĩ.
Trung tâm du lịch Tây Nguyên là thành phố Đà Lạt, khí hậu quanh năm dịu mát. Cảm nhận về Đà Lạt của du khách không khác nhau nhiều, thành phố mộng mơ với hàng ngàn biệt thự cổ phong cách châu Âu thầm lặng trong rừng thông xanh ngắt. Những địa danh nghe vô cùng lãng mạn, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Cam Ly, đồi thông Hai Mộ... Lễ hội đầy bản sắc các dân tộc Tây Nguyên, những điệu múa hoang dã, âm nhạc cồng chiêng độc đáo. Đà Lạt còn là thiên đường của hoa, hàng trăm loài hoa khoe sắc, nhiều loài có tên rất lạ và đẹp, như: bất tử, oải hương, păng xe, dã quỳ, bướm bạc... Hoa cũng là ưu thế hấp dẫn khách du lịch, những người ưa cái lạ, thích khám phá đến với Đà Lạt.
Đi Sông Mao
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Rất mê câu thơ giọng điệu đàn ông ngang tàng của Bắc Sơn. Nhân chuyến đi Phan Rang nói mấy người bạn đưa đến thị trấn Sông Mao. Bạn bè cười hóm ý “hiểu rồi”, nói Sông Mao là Sài Gòn 2 đấy, nhưng thời ấy xa rồi giờ còn gì đâu, nhỏ bé heo hút đến đó làm gì. Mình đọc mấy câu thơ trong bài Mật khu Lê Hồng Phong của Bắc Sơn mọi người bị thuyết phục. Bài thơ nổi tiếng ngay khi xuất bản ở Sài Gòn năm 1970, quá hay, diễn tả tâm trạng rất thật, rất nhân bản của người lính Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh.
Trước năm 1975 Sư đoàn 23 Bộ binh quân đội Việt Nam Cộng hòa và một đơn vị thông tin của Mỹ đóng quân gần thị trấn. Sau mỗi đợt hành quân lính chiến về Sông Mao uống rượu Đế Nùng, vui cùng gái điếm.
Vẫn hình dung một thị trấn nhỏ cổ kính, thơ mộng bên dòng sông Mao. Từng là Sài Gòn 2, nơi ăn chơi của lính, nhất định phải lưu lại ít nhiều quá khứ xa hoa một thời. Kiểu như nhạc xập xình, đèn màu xanh đỏ...
Không có nét gì như mình nghĩ. Thị trấn buồn thiu. Là khu phố người Hoa và người Nùng ở Móng Cái di cư vào Nam năm 1954. Phố vuông bàn cờ. Con phố chính trên một đoạn tỉnh lộ chỉ dài chừng năm 700 mét. Thị trấn nằm hoàn toàn về một phía của con đường này. Nhà cửa đơn sơ cũ kỹ. Nhiều nhà dán giấy đỏ chữ Nho trên cửa của người Hoa. Tám mươi phần trăm nhà có giấy đỏ. Cái tên sông Mao có gốc từ tiếng Chàm, sông Ma-ô, dần người ta đọc liền lại thành Mao.
Cho xe chạy trên phố chính. Phố vắng lặng. Một vài cửa hàng của người Hoa mở cửa. Không có khách. Những người chủ ngồi nhàn buồn trước cửa dõi theo chiếc xe lạ chạy chậm trên phố. Muốn rẽ vào phố nhánh để xem bên trong nhưng các con phố đều phơi kín lúa. Dân phố nhưng vẫn làm nông nghiệp. Giờ này, 10 giờ sáng, chắc người dân đang ngoài đồng nên phố mới thưa người. Không có quán giải khát nào làm lý do dừng nghỉ để tìm hiểu thêm.
Quay về thăm ga Sông Mao. Phòng đợi tầu mở toang hướng ra đường sẵn sàng đón khách. Không một bóng khách. Vào sân ga. Ba nhân viên trong trang phục công nhân đường sắt ngồi quanh chiếc bàn nhỏ uống nước chè trong cái nóng oi bức đến ngột ngạt của vùng cát Bình Thuận. Họ cũng không buồn hỏi mấy người lạ vào ga nghiêng ngó tìm gì. Ga có 5 đường sắt, duy nhất một toa xe đang xếp hàng. Ga Sông Mao cũng đìu hiu như thị trấn Sông Mao vậy.
Mình đến Sông Mao vì mê bài thơ của Bắc Sơn, mê cái chất ngang tàng bất cần đời của nhà thơ. Vì đồng cảm với cuộc sống tinh thần của người dân miền Nam thời ấy. Và vì một chút mơ mộng với cái tên Sông Mao nghe rất đẹp, rất xa xôi. Nhưng bị thất vọng. Cố níu kéo một ý nghĩa cho chuyến đi, mình đọc câu thơ của Bắc Sơn “Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột / Ta quàng xiên nên mới sa chân” để dụ mọi người cho đến Phan Thiết thăm con người quang xiên bị sa bẫy này. Cậu lái xe suốt chuyến đi chẳng nói một câu lúc này mới lên tiếng, đọc câu thơ của Bắc Sơn “Đời như ly rượu cạn / Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày” và nói nhà thơ mất tháng trước anh ạ, ông mất ngày 4 tháng 8 năm 2015.
Bắc Sơn. Cuộc đời ông không bao giờ là ly rượu cạn. Sẽ còn mãi người say thơ ông. Yêu tâm hồn ông.