Du lịch làng nghề nón lá Sai Nga
- Thứ tư - 28/08/2019 04:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ làm nón, kinh tế các hộ gia đình Sai Nga phát triển. |
Từ chỗ chỉ là nghề phụ, đến nay nghề làm nón lá đã giúp người dân có thêm thu nhập và được công nhận làng nghề truyền thống. Đặc biệt, từ khi có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua, nón lá đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách khi đến với làng nghề.
Theo các cụ cao niên ở địa phương, nghề nón nơi đây xuất hiện và phát triển mạnh từ những năm 1950. Đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) tản cư về đất Sai Nga đã mang theo nghề làm nón. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề nón đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Theo thống kê của xã, trước kia hơn 90% số hộ trong xã duy trì nghề làm nón truyền thống. Nay có khu công nghiệp Cẩm Khê nên số hộ làm giảm đôi chút. Ở Sai Nga, tranh thủ những lúc nông nhàn, hoặc đi học về từ người già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón.
Để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm nón gồm lá, khuôn, vành, mo tre hoặc mo nứa, sợi cước, sợi len để nhôi và một lưỡi cày để là lá. Khi có đủ nguyên liệu thì bắt tay vào làm từng công đoạn. Lá làm nón được bà con mang từ Hà Nội, Thanh Hóa về theo chợ phiên, cứ năm ngày chợ họp hai buổi.
Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, muốn nón được trắng hơn khi làm xong hơ qua diêm sinh. Về sản phẩm, hiện nay người dân trong xã chủ yếu làm 2 loại: nón kỹ với giá 55.000 - 60.000 đồng/chiếc, nón thưa có giá 25.000 - 40.000 đồng/chiếc. Bình quân mỗi năm cả làng sản xuất ước đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua tận nơi hoặc bán tại chợ phiên, đa phần người làm nón ở Sai Nga vẫn thích đem nón đến chợ phiên và coi đó như một nét văn hóa truyền thống của làng mình.
Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. |
Chợ phiên Sai Nga họp 5 ngày hai phiên, chủ yếu mua bán nón, vật liệu làm nón (lá, cước, len, vành, hoa nón...). Nón làng Sai Nga được đưa đi các nơi như hội chợ thương mại, trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và sang Trung Quốc.
Năm 2004, Sai Nga chính thức được công nhận là làng nghề. Từ nghề làm nón, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình có sắm sửa tiện nghi, vật dụng có giá trị, xây dựng nhà cửa khang trang.
Để nón lá phát triển, sau khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã đang quan tâm tiến tới đầu tư xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch làng nghề, hành trình di sản Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Có thể nói nghề nón lá ở Sai Nga đang phát triển mạnh mẽ, hình ảnh chiếc nón lá ngày càng trở nên quen thuộc với du khách khi đến Việt Nam, là một trong những món quà ý nghĩa dành tặng bàn bè quốc tế mỗi khi đến thăm làng nón lá truyền thống trên đất Tổ Phú Thọ. |