Không lùi bước trước khó khăn, thách thức
Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại, cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện. Nhập siêu lớn trong tháng 5/2019.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4% với “tinh thần là thắng không kiêu, bại không nản, không lùi bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu”.
Nhập siêu 1,3 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 202,02 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 19% và 17,5% của 5 tháng đầu năm 2017 và 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 5 tháng có 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 19,9 tỷ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,1%; hàng dệt may đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10,3%; giày dép đạt 7,1 tỷ USD, tăng 14,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 6,8 tỷ USD, tăng 5,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD, tăng 18,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,6 tỷ USD, tăng 4,7%; thủy sản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 5 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước như: Cà phê, hạt điều, gạo, hạt tiêu, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn…
Nông sản tăng trưởng âm hai con số
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 5 tháng đầu năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 739 nghìn tấn, thu về 314 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,83 triệu tấn và 1,21 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu gạo giảm 4% về khối lượng và giảm 20,7% về giá trị.
Giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm giảm do thị trường thế giới diễn biến giảm. Trong đó, giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp 7 tháng, giá gạo Thái Lan không đổi ở mức 400 USD/tấn do nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp và thị trường được dự đoán không có giao dịch lớn trong ngắn hạn.
Số liệu thống kê của Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, xuất khẩu hạt điều tháng 5/2019 đạt 40 nghìn tấn, trị giá 294 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều đạt 155 nghìn tấn, trị giá 1,204 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng, nhưng giảm 14,2% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
Xuất khẩu cà phê đạt 135 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 27,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 767 nghìn tấn, trị giá 1,313 tỷ USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 23% về trị giá.
Cũng theo ước tính của Cục Xuất - nhập khẩu, tháng 5/2019, xuất khẩu cao su đạt 80 nghìn tấn, trị giá 116 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2018, giảm 26,5% về lượng và giảm 26,2% về trị giá. Giá xuất khẩu cao su bình quân tháng 5/2019 tăng 0,4%, đạt 1.450 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2019, xuất khẩu cao su ước đạt 495 nghìn tấn, trị giá 673 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 4% về trị giá.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 180 nghìn tấn, trị giá 72 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2018, giảm 17,6% về lượng và giảm 26,2% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân giảm 10,5%, xuống còn 400 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 423 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,9% về trị giá.
Ngoài ra, luỹ kết đến hết tháng 5, một số mặt hàng nông sản khác cũng có mức tăng trưởng âm như hạt tiêu đạt 374 triệu USD, giảm 2,1% (lượng tăng 32,3%).
Rau quả tiếp tục là điểm sáng
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5/2019 ước đạt 424 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 74,26% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1,07 tỷ USD, tăng 7,73% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Mỹ với 45,58 triệu USD, chiếm 3,16%, Hàn Quốc với 43,71 triệu USD, chiếm 3,03%, Nhật Bản với 36,53 triệu USD, chiếm 2,53%…
4 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Pháp.
Theo dự báo, năm 2019 thị trường Trung Quốc sẽ nhập khẩu vượt 10 tỷ USD trái cây. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu đã tăng lên 3,1 tỷ USD, vượt 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tăng nhanh nhất là măng cụt (chỉ tính riêng trong tháng 4/2019, nhập khẩu măng cụt từ thị trường này tăng 600%).
Cá tra lên sàn Alibaba
Cá tra Việt Nam hiện được rao bán trên sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc - Alibaba và nhiều thành phố lớn khác...
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Cá tra là sự lựa chọn tuyệt vời cho người tiêu dùng Trung Quốc”. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm cá tra philê đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc còn khá lớn.
Sự phổ biến ngày càng tăng của cá tra philê Việt Nam tại Trung Quốc đến vào thời điểm thích hợp, khi mà các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá tăng hơn so với kết quả sơ bộ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố trước đó.
Hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa, gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và một số doanh nghiệp hải sản.
Với việc Trung Quốc nới lỏng chính sách nhập khẩu, thủy - hải sản Việt Nam đang rộng đường tiến vào thị trường đông dân nhất thế giới. Trung Quốc được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng và có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn, với giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam lên đến trên 1 tỷ USD/năm.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vượt mốc 4 tỷ USD
Theo số liệu thống kê, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 5/2019 đạt 895 triệu USD, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 20,2% so với tháng 5/2018.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 4,01 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 17,5%.
Các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,97 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tới 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được cho là sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh xuất khẩu khi các sản phẩm, như: ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6 đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0% ngay lập tức.
Nhờ CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để thâm nhập thị trường Mexico sâu hơn, vì nước này đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất của Việt Nam với lộ trình tối đa là 10 năm.
Do vậy, khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ một cách đột biến là không có nhiều, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp Việt sẽ lớn dần theo lộ trình giảm thuế.