Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP: Bước tiến vượt bậc trong cải cách thủ tục hành chính
- Thứ bảy - 23/09/2017 03:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 2: NÂNG CAO NĂNG LỰCCẠNH TRANH CHO HẠT GẠO VIỆT NAM
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 có những thay đổi căn bản về quy định điều kiện kinh doanh XK gạo theo hướng tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân.
Cụ thể: Thứ nhất, không bắt buộc thương nhân phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát hoặc chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh; thương nhân có thể sở hữu hoặc thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo. Thứ hai, bỏ quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh; điều chỉnh giảm quy mô kho chứa thóc, gạo từ 5.000 tấn xuống còn 3.000 tấn thóc, gạo; không quy định quy mô công suất cơ sở xay xát, chế biến mà chỉ yêu cầu các cơ sở này phù hợp với quy chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Thứ ba, bổ sung quy định đối với XK mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng theo hướng thương nhân được XK mà không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận, chỉ cần thông báo hợp đồng XK với Bộ Công Thương. Thủ tục XK thực hiện tại cơ quan hải quan.
Ảnh Internet |
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động kinh doanh XK gạo của thương nhân. Dự thảo cũng bỏ quy định tại Điều 18 về tiêu chí đăng ký hợp đồng XK gạo và Điều 19 quy định giá sàn gạo XK của Nghị định số 109. Điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5% lượng gạo thương nhân đã XK trong 6 tháng trước đó. Bãi bỏ quy định về thủ tục đăng ký hợp đồng XK gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thay bằng cơ chế thông báo hợp đồng XK gạo trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Dự thảo Nghị định còn sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác điều hành XK gạo đáp ứng yêu cầu thực tế. Cụ thể, bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong điều hành XK gạo; cơ chế điều tiết giá thóc, gạo hàng hóa, bình ổn thị trường nội địa; phát triển thị trường XK; ký kết, tổ chức thực hiện các bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước; điều hành thị trường tập trung; có trách nhiệm xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo XK; xây dựng và ban hành các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể có liên quan để định hướng cho hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh XK, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Bằng những điều khoản cắt giảm triệt để những điều kiện cản trở hoạt động của DN, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 đã và đang nhận được sự quan tâm, đồng tình rất lớn của các DN. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Nghị định 109 theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh XK gạo là rất cần thiết. Dự thảo Nghị định đã thể hiện rất rõ tinh thần này bằng việc đơn giản hóa rất nhiều các điều kiện đầu tư kinh doanh XK gạo cũng như đăng ký hợp đồng XK. Việc sửa đổi Nghị định 109 được kỳ vọng sẽ giúp ngành lúa gạo Việt Nam có những bước phát triển trong thời gian tới.
Đánh giá cao việc bỏ giá sàn và công bố thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương thay vì phải đăng ký tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng, việc bỏ giá sàn sẽ thúc đẩy XK gạo tích cực hơn, đồng thời tăng cạnh tranh trên thị trường đây cũng là yếu tố giúp DN lớn mạnh và phát triển. DN thông báo hợp đồng XK gạo trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương cũng là việc làm phù hợp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Công Thương tập hợp thông tin, vừa giúp DN giảm thời gian, chi phí đăng ký và đặc biệt là không rò rỉ hợp đồng.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 được định hướng xây dựng nhằm đổi mới, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh, điều hành XK gạo theo hướng kiến tạo, minh bạch, hiệu quả; tạo động lực giải phóng năng lực kinh doanh thương mại, thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, XK, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và trong nước…
http://baocongthuong.com.vn