Đưa nông dân vào chuỗi giá trị

Đưa nông dân vào chuỗi giá trị
Sự hợp tác giữa DN với nông dân thông qua Hợp tác xã để đầu tư phát triển vùng sản xuất rau an toàn và công nghệ cao theo mô hình liên kết của nhằm phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đã giúp nông dân dần bỏ thói quen sản xuất manh mún, các sản phẩm rau an toàn giá bán tăng từ 5 – 10% so với giá trên thị trường.

Thay đổi phương thức sản xuất mới

Để khuyến khích mô hình sản xuất liên kết quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ.

Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Võ Minh Tuấn cho biết, chương trình đã lựa chọn 28 DN đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Số tiền các NHTM đã ký kết với các DN tham gia chương trình lên tới hơn 5.627 tỷ đồng.

Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này đã mang lại phương thức tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá, dư nợ của dự án hiện là 1.174 tỷ đồng, đạt hơn 83% số tiền NHTM cam kết giải ngân cho dự án và chiếm hơn 60% tổng dư nợ của chương trình. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết với 330 hộ dân theo 2 hình thức doanh nghiệp đầu tư ao hoặc hộ dân tự đầu tư ao, doanh nghiệp cung ứng vật tư kỹ thuật, con giống và tổ chức bao tiêu sản phẩm... Ngoài chi phí tiền công lao động, các hộ dân còn được chia phần lợi nhuận do chuỗi giá trị đầu tư mang lại.

Công ty Việt Trường đưa tàu hậu cần ra ngư trường đánh bắt thủy sản thu mua nguyên liệu, bà con ngư dân không phải vào bờ để bán, tăng thời gian đi đánh bắt bám biển cho bà con ngư dân.
Công ty Việt Trường đưa tàu hậu cần ra ngư trường đánh bắt thủy sản thu mua nguyên liệu, bà con ngư dân không phải vào bờ để bán, tăng thời gian đi đánh bắt bám biển cho bà con ngư dân.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến súc sản Mitraco của Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh, dư nợ của dự án hiện là 38,27 tỷ đồng, đạt 57% tổng số tiền NHTM cam kết giải ngân cho dự án. Doanh nghiệp ký liên kết với 3 công ty con và các công ty con ký liên kết với khoảng 80 hộ gia đình vệ tinh, cung ứng giống lợn, kỹ thuật, vật tư và thu mua chế biến. Hộ dân được thanh toán 1.700 đồng tiền công/1kg lợn tăng thêm. Với mỗi hộ nuôi từ 400-500 con, thu nhập mỗi hộ sẽ được khoảng 45-60 triệu 1 vụ, bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng. Thu nhập cao và ổn định hơn so với hộ dân tự bỏ chi phí đầu tư con giống, kỹ thuật, vật tư.. và bán ngoài thị trường. Hiện nay nhiều hộ dân khác cũng có nhu cầu tham gia liên kết với doanh nghiệp.

Dự án đầu tư phát triển vùng sản xuất rau an toàn và công nghệ cao theo các mô hình liên kết của CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (Công ty Việt Long) là một trong 31 dự án tham gia chương trình này. Chủ đầu tư có nhu cầu vốn vay khoảng 66 tỷ đồng, trong đó có 40 tỷ đồng vốn trung, dài hạn và 26 tỷ đồng vốn ngắn hạn.Tính đến 30/4/2015, Agribank chi nhánh Hạ Long I cho vay 26,1 tỷ đồng. Ông Vũ Văn Thảo, Chủ nhiệm HTX Bạch Đằng vui mừng chia sẻ: Từ sản xuất tự phát, manh mún, mạnh ai người đó làm, xã viên HTX Bạch Đằng đã thay đổi phương thức sản xuất, không chỉ tiết kiệm sức lao động mà còn tăng năng suất, sản phẩm đạt tiêu chuẩn rau an toàn.

Một dự án khác của Công ty TNHH Việt Trường (Công ty Việt Trường) được NH cho vay 122 tỷ đồng theo chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Trong đó vốn ngắn hạn là 40 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; vốn trung, dài hạn để đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu giai đoạn II là 82 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Trường Nguyễn Thị nói: “Với hỗ trợ vốn của NH, Việt Trường đưa tàu hậu cần ra ngư trường đánh bắt cá thu mua nguyên liệu. Bà con ngư dân không phải vào bờ để bán, tăng thời gian bám biển. Khách hàng của chúng tôi cũng rất thích khi nguyên liệu của công ty được mua trực tiếp trên biển”.

Liên kết vẫn chỉ bằng chữ tín

Các ngân hàng đều sẵn sàng nguồn vốn để cho vay các dự án theo mô hình liên kết sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao.Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, mức lãi suất hiện tại của chương trình không thực sự hấp dẫn. Doanh nghiệp muốn lãi suất ưu đãi hơn nữa và mong muốn có sự hỗ trợ lãi suất.

Để tưới hết 1 sào rau, trước đây anh Vũ Văn Nhỏ HTX Bạch Đằng phải mất cả một buổi chiều nay nhờ được hưởng lợi từ dự án thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất rau an toàn và công nghệ cao theo các mô hình liên kết giờ chỉ mất 20 – 30 phút.
Để tưới hết 1 sào rau, trước đây anh Vũ Văn Nhỏ HTX Bạch Đằng phải mất cả một buổi chiều nay nhờ được hưởng lợi từ dự án thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất rau an toàn và công nghệ cao theo các mô hình liên kết giờ chỉ mất 20 – 30 phút.

Tuy nhiên, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Võ Minh Tuấn cho biết: Các TCTD đã áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thị trường khoảng 1% - 1,5%/năm đối với các dự án theo Nghị quyết 14. Và các NHTM có thể xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở kiểm soát được dòng tiền trong trường hợp khách hàng vay không đủ tài sản đảm bảo. Không những thế, từ cuối năm 2014, NHNN đã yêu cầu các TCTD giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với các dự án triển khai theo mô hình này nhằm tạo điều kiện cho các DN tham gia chương trình.

Ngoài vấn đề lãi suất, các DN cho biết, khó khăn khi DN triển khai mô hình liên kết là nhiều nơi người dân chưa quen với việc ký hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Thực tế triển khai chương trình cho thấy liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, chưa hình thành hợp đồng liên kết bởi vậy gây khó khăn cho ngân hàng khi giải ngân cho vay vì theo Quy định tại Quyết định 1050/QĐ-NHNN, một trong những điều kiện cho vay là doanh nghiệp và hộ dân phải ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử, tại dự án của Công ty Việt Long, người dân trồng rau an toàn không ký hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm. Bởi vậy sản phẩm làm ra người dân vẫn phải chủ động tiêu thụ là chính, phần rau an toàn bán cho công ty chỉ được khoảng 10 – 30% sản lượng. Còn tại Hải Phòng, DN tham gia dự án thí điểm vẫn dùng “chữ tín” để giao dịch với người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, Công ty Việt Trường ứng trước từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng cho khoảng 37 tàu cá của ngư dân để sửa chữa tàu, mua thêm ngư lưới cụ, đá, thực phẩm dự trữ... để ràng buộc với nhau trong việc công ty cam kết mua nguyên liệu cho ngư dân. Số tiền công ty ứng trước nhiều nhưng “bằng chứng” chúng tôi nắm giữ chỉ là một tờ giấy viết tay, có xác nhận việc ngư dân nhận tiền của Công ty Việt Trường.

Để đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay thí điểm, NHNN yêu cầu phải tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp thực hiện dự án đã được phê duyệt. Bố trí nguồn vốn đẩy mạnh giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đúng tiền độ thực hiện dự án của doanh nghiệp. Tích cực làm việc với các doanh nghiệp chưa triển khai dự án để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp triển khai dự án đã được phê duyệt...

Theo: nongthonviet.com.vn