Đưa tiêu chí xây dựng Nông thôn mới vào Nghị quyết Đại hội các cấp để thực hiện

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý – Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 tại Thông báo số 644/TB-UBND, được ban hành ngày 11/11.

Thông báo kết luận nêu rõ: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 225 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 52,20%, trong đó có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a; 2 xã biên giới; 30 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; 87 xã có đông đồng bào giáo dân. Bên cạnh đó, có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành và đạt chuẩn Nông thôn mới và 01 huyện đang hoàn thành hồ sơ để tiến hành thẩm tra, thẩm định công nhận. Tiêu chí bình quân/xã toàn tỉnh là 15,96 tiêu chí/xã, tăng 12,32 tiêu chí/xã so với năm 2011, tăng 4,26 tiêu chí/xã so với cuối năm 2015.
Trong giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh đã huy động được 56.081,586 tỷ đồng để xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Các cấp, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sớm, tổ chức thực hiện bài bản, chắc chắn, không chạy theo thành tích. Cùng với xây dựng các nội dung trọng tâm, trọng điểm như: Xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, các địa phương đã đồng thời thực hiện tốt tất cả các nội dung khác, không xem nhẹ nội dung, tiêu chí nào, nhất là các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và đảm bảo an ninh trật tự.
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao hơn, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ một cách có trọng tâm, trọng điểm. Đó là, tiếp tục chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đảm bảo đi vào thực chất và bền vững, đi vào chiều sâu; phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung cao độ hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm 2019 và giai đoạn 2016-2020; chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tăng cường giải pháp hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa,… cho nhóm xã đạt tiêu chí thấp (nhóm xã dưới 10 tiêu chí), và thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ thôn, bản ở các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ; đưa tiêu chí xây dựng Nông thôn mới vào Nghị quyết Đại hội các cấp để thực hiện.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh, tuyên truyền, vận động và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải dày công, kiên trì. Giao Sở Nội vụ (Ban Thi đua Khen thưởng) tham mưu thực hiện phát động và tổ chức phong trào thi đua “Nghệ An cùng cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.
Các sở, ban, ngành được giao phụ trách các tiêu chí tiếp tục tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực, ngành phụ trách để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 một cách hiệu quả. Đối với các xã đã đạt chuẩn cần giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí thông qua chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện chương trình…
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh các phong trào của tổ chức Hội, đoàn thể gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; tăng cường vận động nhân dân phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở…
 
Theo T.H (tổng hợp)/Nghean.gov.vn