Đức Bác tận dụng lợi thế ven sông
- Thứ ba - 04/06/2019 10:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhưng bù lại, dân Đức Bác từng lăn lộn, bươn chải trên sông nước kiếm sống. Vì thế, họ biết khai thác nguồn lợi từ việc đi phiêu bạt khắp nơi, tạo ra một nguồn lực để phát triển dịch vụ thương mại… Mặc dù là một xã nghèo, 11/11 thôn của Đức Bác đều có nhà văn hóa. Có thôn còn có riêng nơi vui chơi giải trí cho nhân dân. Trung tâm xã có nhà văn hóa, sân chơi thể thao với các môn bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn…
Trường mầm non Đức Bác. |
Đức Bác được coi là vùng trũng của huyện Sông Lô. Dân sống bằng nguồn thu chủ yếu là từ SX nông nghiệp. Mặc dù đời sống còn khó khăn, những người dân rất có ý thức trong công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Đúng như các cụ đã dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dân thì không bị đói, nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, việc gom rác thải, bảo vệ môi trường đã thành một nếp sống thường nhật của người dân. Xã thành lập hẳn một HTX môi trường, thu gom rác thải. Cứ 2 ngày tổ chức thu gom rác một lần. Đức Bác còn đang tổ chức làm lò đốt rác. Về phần hạ tầng đã xong. Còn phần cốt lõi là lò đốt, thì hiện nay đang chờ sự đầu tư của tỉnh.
Nếu Đức Bác có lò đốt rác, thì sẽ giải quyết được nạn ùn ứ rác trên địa bàn. Và đó cũng là cách giải quyết vệ sinh môi trường một cách triệt để. Trong điều kiện hiện nay, ở Đức Bác đã có một hoạt động thường xuyên, đều đặn. Đó là cứ 5 giờ sáng, có xe thu gom rác theo một đường trục chính. Quy ước xe đi đến đâu, các thôn tập trung rác vào địa điểm đã quy định. Nhờ vậy đường làng luôn phong quang, sạch đẹp.
Theo ông Lê Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác vốn là một vùng chiêm trũng, có nơi chỉ cấy được một vụ, thế mà dân trong xã lại chủ yếu sống bằng nghề nông. Cái sự thiếu thốn, thậm chí đói kém là khó tránh khỏi. Ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhờ có địa thế ven sông Lô, đúng cái thời kinh tế mở cửa, người dân Đức Bác đã có sự nhạy bén. Nói đúng hơn, là có sự đột biến. Ấy là đi theo dọc triền sông, buôn bán ở nhiều vùng đất.
Thời “kinh tế mở” đã giúp một số người dân năng động, tìm đến các vùng làm gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Phù Lãng mua sản phẩm của họ, rồi chở đi bán khắp nơi. Ở chỗ nào được giá, có cơ hội phát triển thì trụ lại. Có người lập thành cơ sở lớn ở Đà Nẵng. Lại có người sinh cơ lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Thậm chí tìm vào đến đất mũi, lên tận biên giới phía Bắc. Cũng theo ông Ánh, hiện nay ở xã đã có trên 300 hộ dân đi làm ăn xa, địa bàn trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Họ làm ăn phát đạt. Nhiều người mua được đất, xây được nhà ở nơi lập nghiệp.
Nghĩa trang liệt sĩ của xã. |
Cũng do làm ăn khấm khá, nhu cầu dùng cơ giới trong SX nông nghiệp rất cao. Bởi thế, ngoài số cây số kênh mương nội đồng được nâng cấp, xã đã đầu tư gần 4km hạ cấp đường, để phục vụ cho các máy móc nông nghiệp như máy cày, máy gặt xuống được tận ruộng, phục vụ nhu cầu cơ giới của bà con.
Đến nay, bộ mặt nông thôn Đức Bác hoàn toàn thay đổi. Tính đến tháng 3/2018, tất cả các tiêu chí NTM đã được UBND tỉnh công nhận là xã hoàn thành xây dựng NTM năm 2017, và cũng là xã duy nhất của tỉnh về đích năm 2017 đúng hẹn.
Theo Đỗ Bảo Châu/nongnghiep.vn