Dựng nghiệp trên lò gạch cũ, làm nên HTX cá giống nhất nhì xứ Nghệ
- Thứ tư - 02/05/2018 04:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hợp tác xã trên chiếc “lò gạch cũ”
Cho cá giống ăn
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình cá giống, ông Trần Văn Hiền – Phó chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, hiện nay HTX có hơn 40 ao hồ sản xuất cá giống với diện tích gần 5ha. Bên cạnh đó, HTX còn có 2 ao nuôi cá mẹ để sinh sản, cung cấp nguồn giống lâu dài, ổn định cho các ao hồ.
“Trước đây, vùng đất này vốn là chiếc lò gạch cũ, bị người dân bỏ hoang, xung quanh cỏ cây, lau sậy um tùm” - Ông Hiền thật thà tâm sự. Vốn xuất thân từ đồng ruộng, lại có cùng chí hướng làm giàu trên chính quê hương mình, anh Hiền cùng một số người bạn góp vốn thầu lại mảnh đất, quyết tâm “thay da đổi thịt”, tìm ra hướng đi mới.
Cũng trong thời gian này, phong trào sản xuất cá giống trên địa bàn xã Thịnh Sơn phát triển mạnh, tuy nhiên các hộ gia đình chỉ sản xuất nhỏ lẻ, không nhận được hỗ trợ về nguồn vốn cũng như thị trường đầu ra. Xuất phát từ thực tế đó, tháng 4 năm 2013, Hợp tác xã Thủy sản Đô Lương ra đời trên chính mảnh đất trước là lò gạch cũ. HTX gồm 5 thành viên với mục đích liên kết sản xuất, trở thành nơi cung cấp nguồn cá giống đạt tiêu chuẩn cao trên địa bàn toàn tỉnh và mở rộng ra một số tỉnh lân cận.
Hiện tại, với 40 ao hồ ương các loại cá giống như: cá mè, cá trắm, cá trôi cùng một số loại đặc sản như cá lăng, cá leo, ít ai có thể ngờ rằng, chiếc lò gạch cũ năm nào giờ đây lại trở thành hợp tác xã thủy sản mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng.
Hợp tác cùng phát triển
Ao ương cá giống
Thời gian đầu,HTX cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nguồn vốn ít, các thành viên lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc ương cá giống, đầu ra sản phẩm cũng là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, nhờ sự chung sức, đồng lòng của các thành viên, HTX đã gây dựng được mô hình ương cá giống hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi trong địa phương.
Theo ông Hiền, ban đầu HTX giống thủy sản chỉ có quy mô gần 2ha với khoảng 20 hồ, nhập nguồn cá giống từ các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và sự ảnh hưởng của thời tiết, cá chết gần nửa khiến nhiều thành viên trong tổ khá hoang mang. “Không nản lòng, chúng tôi lại mày mò, vừa làm vừa tự học hỏi thêm kinh nghiệm. Lứa giống đầu tiên được xuất bán, người dân trên địa phương tranh nhau mua, ai cũng phấn khởi, mừng ra mặt” – Ông Hiền hào hứng tâm sự.
Tận dụng tối đa quỹ đất và tiết kiệm chi phí nhập giống từ bên ngoài, các thành viên trong HTX quyết định mở rộng diện tích lên 5 ha, với 40 ao hồ, thả nuôi 2 ao cá mẹ để tự cung, tự cấp nguồn giống. Ương cá giống không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Trước khi thả cá, phải bơm cạn ao, nạo vét hết bùn. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước, cung cấp nước thường xuyên để đảm bảo đủ lượng ôxi cho cá.
Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải theo dõi tốc độ sinh trưởng, phát triển của cá. Cần theo dõi cá nổi đầu vào buổi sáng sớm để phát hiện bệnh và có biện pháp khắc phục kịp thời. Nguồn thức ăn của cá chủ yếu là bã bia được tận dụng sẵn. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá mà tính toán lượng thức ăn phù hợp.
Ương cá giống phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. “Tháng 4 là thời điểm thích hợp nhất để ương cá. Lúc này thời tiết khá thuận lợi, ít mưa, cá phát triển tốt, lại ít dịch bệnh, nhu cầu mua cá giống của bà con cũng cao. Còn đến tháng 8 mùa mưa bão, ít người mua cá về thả lắm” – Ông Hiền chia sẻ.
Hiện nay, HTX giống thủy sản Đô Lương tập trung ương các loại cá như: cá trắm, cá mè, cá trôi, cá lăng, cá leo. Đối với cá mè, cá trôi, giá bán dao động từ 30-40 ngàn đồng/kg. Cá trắm là 80-90 ngàn đồng/kg. Cá lăng, cá leo bán theo con, với giá từ 10-15 ngàn đồng/con. Tháng 4 vừa qua, HTX xuất bán với sản lượng đạt 40 tấn, trừ chi phí, thu lãi gần 3 tỷ đồng.
Sắp tới HTX sẽ mở rộng diện tích, liên kết với các HTX khác trên địa bàn để trao đổi kinh nghiệm, nguồn giống và mở rộng thị trường. Ngoài ra, HTX ương cá giống còn tạo việc làm cho 4 – 5 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Theo: Thân Hiền/danviet.vn