Dùng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư nuôi cá vược, nuôi ếch
- Thứ tư - 08/01/2020 17:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân được triển khai theo "2 đúng" là đúng tiến độ, đúng mục đích. Qua đó, không có trường hợp hội viên nông dân nợ đọng và sử dụng vốn sai mục đích.
Nông dân hưởng lợi
Nhờ vay vốn Quỹ HTND nuôi ếch, nhiều hộ dân ở các huyện của Thái Bình đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Đăng Hải
"Từ phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó vươn lên, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có trên 194.000 hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi". Ông Lê Mạnh Cường |
Thời gian qua, các cấp Hội ND trong tỉnh Thái Bình đã tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân tiếp cận vốn vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Hiệu quả từ các nguồn vốn vay đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở các địa phương, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Từng là một hộ khó khăn, sau khi được nguồn Quỹ HTND của địa phương tiếp sức đến nay ông Nguyễn Khắc Thành ở xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của xã. Năm 2016, trên diện tích hơn 3.600m2 đất chuyển đổi, ông Thành trồng hơn 300 cây bưởi Diễn, cam Canh và dừa. Ngoài ra, ông còn tận dụng ao trữ nước để trồng thêm ấu. Mặc dù mô hình không lớn nhưng trừ chi phí nhân công, phân bón... mỗi năm gia đình thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Ông Thành cho hay: “Tôi mong muốn các cấp, các ngành, nhất là các cấp Hội ND tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp cũng như tiêu thụ sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất”.
Theo đánh giá của Hội ND tỉnh Thái Bình, trong thời gian qua đã có nhiều hộ hội viên vay vốn đầu tư thành công như hộ ông Phạm Tiến Thế (thôn Nam, xã Đông Mỹ, TP.Thái Bình) vay 30 triệu đồng chuyển đổi 7.000m2 đất thành trang trại nuôi lợn nái nội và lợn nái rừng. Hàng năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Hay mô hình nuôi cá vược, cá song của nông dân Mai Văn Khởi (ở thôn Đồng Lạc, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải). Với diện tích 1,1 mẫu vùng chuyển đổi cấy lúa kém hiệu quả, năm 2002, ông Khởi chuyển sang nuôi tôm sú. Do nuôi tôm sú vụ được vụ mất, năm 2010 ông Khởi chuyển sang nuôi cá vược, cá song.
Khi được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ của Hội, ông Khởi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chia thành 4 ao nuôi, trong đó 3 ao nuôi cá vược, 1 ao nuôi cá song. Mô hình nuôi cá vược, cá song của ông Khởi đã cho hiệu quả kinh tế cao thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Đa dạng kênh hỗ trợ
Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh Thái Bình, tính đến nay, Hội ND các cấp trong tỉnh đã nhận ủy thác với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 62.340 hộ nông dân vay với tổng dư nợ trên 2.562,122 tỷ đồng.
Ông Lê Mạnh Cường cho biết: Ngoài việc hỗ trợ để hội viên được tiếp cận các “kênh” vốn vay, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn để hội viên, nông dân áp dụng vào sản xuất.
Ngoài ra, các cấp hội đã tổ chức 84 cuộc hội thảo, tham quan học tập mô hình cho gần 8.000 lượt hội viên, mở 1.150 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 108.000 lượt hội viên, nông dân; đồng thời mở 115 lớp dạy nghề cho trên 3.800 hội viên. Nông dân sau học nghề có gần 1.300 người có việc làm.
Cũng theo ông Cường, không chỉ là cầu nối giữa các tổ chức tín dụng với nông dân, các cơ sở hội trên địa bàn còn tích cực vận động hội viên, nông dân đầu tư vốn cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, chuyển đổi vùng đất úng, trũng kém hiệu quả sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản đạt hiệu quả kinh tế cao.
Theo Đăng Hải/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây