Được mùa rớt giá - bao giờ hết “kêu cứu”?

Không mặt hàng này thì mặt hàng khác, có thể nói người nông dân luôn trong tình cảnh được mùa mất giá, nguyên nhân là sản phẩm thiếu thương hiệu, ít chế biến, không sản xuất theo chuỗi. Ai cũng biết, nhưng đến bao giờ mới giải quyết triệt để tình trạng này vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá bán củ cải ngọt liên tục rớt thê thảm khiến hàng trăm hộ nông dân ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) phải nhổ bỏ để đem đi tiêu hủy, thiệt hại hàng tỷ đồng. 

Nhổ bỏ để... tiêu hủy

Theo ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, toàn xã có 304ha sản xuất rau, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao khoảng 200ha, trong đó có 80ha (chiếm 26,3% diện tích) trồng củ cải. 

Diện tích sản xuất củ cải hiện đến thời gian thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng 1.120 – 1.500 tấn, đang bị ứ đọng nên cần phải tiêu thụ gấp trong 10 – 15 ngày tới. 

Ngoài ra, tại ruộng vẫn còn khoảng 20ha đang sản xuất củ cải ở giai đoạn cây non, 20ha củ cải đang ra hoa nhưng bị nhổ bỏ (trong đó có 70% diện tích thương lái đã thu mua), gây thiệt hại từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Hiện, giá củ cải bán tại thôn Đông Cao chỉ khoảng 1.500 – 2.000 đồng/kg, củ cải già dùng để sấy khô, muối thấp nhất là 1.000 đồng/kg. 

Giá củ cải giảm là do thời tiết thuận lợi nên cây rau phát triển nhanh, năng suất cao. Sau Tết Nguyên đán, các cơ quan, xí nghiệp, chợ dân sinh tiêu thụ chậm. Đặc biệt, 95% tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối; vào doanh nghiệp (DN), bếp ăn tập thể chỉ 3 – 5%. Vì vậy, nông dân rất hay bị thương lái ép giá. 

Cùng với đó, ông Ngô Minh Hoa, Giám đốc HTX nông nghiệp thôn Tráng Việt, cho biết trước Tết, củ cải được giá, nhưng nông dân lại có tâm lý “cầm giá” để sau Tết được cao hơn, gom hàng vào, khiến cho rau vào vụ sản lượng nhiều, trong khi người tiêu dùng (NTD) có nhiều lựa chọn khác, khiến giá giảm thê thảm. 

Không chỉ củ cải, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thống kê từ các địa phương có nhiều vùng rau chuyên canh, diện tích rau cuối vụ Đông và lứa đầu vụ Xuân hiện nay nhiều nhất ở Hà Nội còn 1.150ha, Hải Dương còn hơn 100ha, các tỉnh khác còn 10 – 15ha.

Su hào bị nhổ bỏ ở Hải Dương cũng có tình trạng như củ cải, thời điểm thu hoạch trùng với thu hoạch vét rau khác và có một số rau vụ Xuân, dẫn tới bán chậm. Bên cạnh đó, nông dân chần chừ chờ giá cao nên su hào bị già không bán được. Phần lớn diện tích su hào bị nhổ bỏ là quá lứa, bị xơ xốp hết bên trong.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng “được mùa mất giá”, nhưng căn cơ nhất không thể không nhắc tới là phương thức sản xuất của người nông dân hiện nay vẫn không thay đổi, chưa làm theo chuỗi, tiêu thụ truyền thống không có nhãn mác, thương hiệu, sản xuất chưa hướng tới NTD mà hướng tới thương lái nên thụ động. 

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có hướng dẫn tổ chức sản xuất theo chuỗi, phải định hướng tổ chức sản xuất, thành lập hội sản xuất, đăng ký nhãn hiệu tập thể, phát triển chế biến”, ông Tường cho biết. 

Giá bán củ cải ngọt rớt thê thảm khiến hàng trăm hộ nông dân điêu đứng 

Bài học xây dựng chuỗi liên kết

Trước thực trạng củ cải mất giá hiện nay, dưới góc độ nhà phân phối, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), cho biết nếu như sản lượng nông sản nhiều, hàng hóa dồn ứ, HTX nên thông tin nhanh với các nhà bán lẻ để “giải cứu” nhằm bán ra với số lượng nhiều hơn so với ký hợp đồng. 

Bên cạnh đó, các sở ngành hỗ trợ HTX đầu tư máy sấy củ cải. Phải có hệ thống sấy củ cải, để tiêu thụ quanh năm chứ không phải tiêu thụ lúc dồn ứ. Lâu dài cần phải tính tới xuất khẩu.

Cũng theo bà Hậu, để hạn chế tình trạng dồn ứ, HTX cần khuyến khích người dân đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng với nhu cầu của siêu thị, chứ không nên chỉ trồng một loại củ cải như hiện nay.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Halomom, chia sẻ nhu cầu tiêu thụ của NTD rất ít, không thể để tình trạng DN cứ đi “giải cứu” mãi cho nông sản, mà cần phải cơ cấu lại sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với người dân để phát triển ổn định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, công ty Tâm Thành, cho biết về lâu dài, DN phải ký kết hợp đồng tiêu thụ với HTX. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước quy hoạch lại vùng sản xuất, hướng dẫn cho người dân lập kế hoạch sản xuất hợp lý, trồng theo nhu cầu của thị trường, hạn chế trồng tự phát để không bao giờ xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản như thời gian qua. 

Đồng thời, chính quyền địa phương đứng ra làm khâu trung gian kết nối cho người dân và DN thông qua hợp đồng ký kết để tiêu thụ với số lượng ổn định, hạn chế việc thương lái điều hành thị trường làm cho giá cả bấp bênh.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết Cục Trồng trọt đang chủ trì phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương tổng rà soát lại cơ cấu diện tích hiện còn trên đồng ruộng, cũng như cân đối về cung – cầu để có những khuyến cáo và hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. 

“Trước mắt, các rau ôn đới như su hào, bắp cải sẽ không kéo dài được nữa vì thời tiết nóng lên chất lượng sẽ giảm, bản thân các địa phương đã có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, thông qua rà soát nếu thấy có hiện tượng nông dân vẫn lạm dụng và trồng nhiều loại rau này, chúng tôi sẽ có những cảnh báo đối với các địa phương để hướng dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, điều quan trọng nhất hiện nay là việc liên kết, ký hợp đồng bao tiêu. Đi khảo sát tại xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, ông Sơn chia sẻ: “Khi được hỏi, nông dân nói rằng họ không cần phải “giải cứu” rau, quả và cũng không có ý kiến gì về vấn đề rau giảm giá vì đã tìm được những liên kết ổn định. Điều này cho thấy nông dân có hợp đồng tiêu thụ trước, ổn định thì sẽ tránh được tất cả những rủi ro này. Đặt hàng lúc đó là của thương lái, bao giờ thương lái cũng quan sát và cân đối thị trường tốt hơn nông dân làm nhỏ lẻ”.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng muốn sản xuất phải nắm vững cung, cầu. Thời gian tới, nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới sản xuất các mặt hàng nông sản an toàn, có kênh tiêu thụ bền vững. Nếu đưa được sản phẩm vào siêu thị sẽ có giá cao hơn 10 – 20% so với kênh tiêu thụ truyền thống.

“Xu thế tiêu dùng hiện đại thì sản phẩm phải đa dạng, chất lượng an toàn và có thương hiệu”, bà Lan nhấn mạnh. 

Lê Thúy
http://thoibaokinhdoanh.vn
 

Ông Nguyễn Tiến Hưng  - Giám đốc công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam

Sản xuất nông sản phải phụ thuộc vào nhu cầu, thậm chí sản phẩm rẻ nhưng NTD liệu có nhu cầu mua hay không mới là vấn đề. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm phải an toàn, đẩy mạnh chế biến sâu để tiêu thụ quanh năm.

Ông Nguyễn Hồng Sơn  - Cục trưởng Cục Trồng trọt

Phải rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ Đông và Xuân để có hướng dẫn sát hơn. Năm nào cũng xảy ra hiện tượng này. Sang năm phải có những điều chỉnh từ đầu và có những cảnh báo cho nông dân, nhất là xác định đợt cuối cùng của vụ Đông cho hợp lý, tránh rủi ro như hiện nay cũng như những năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và  Phát triển thị trường nông sản 

Cần phải nhận thức rõ hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giữa DN với người dân là cần thiết và lâu dài. Tuy nhiên, để vào siêu thị, sản phẩm phải đúng mẫu mã, chất lượng tốt, tem nhãn nhận diện đầy đủ. Bên cạnh đó, sản xuất cần phải hướng tới xuất khẩu, chú ý khâu bao bì, sơ chế.