Đường thoát nghèo ở xã nông thôn mới (Kỳ 3)
- Thứ tư - 01/07/2015 03:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đổi đời nhờ đường giao thông nông thôn:
Thoát nghèo nhờ GTNT
Mỗi ngày, ông Phạm Phú Thế Gia (thôn Tân Bình 4, Điện Trung, Điện Bàn) đều đặn “phóng” hai vòng xe máy trên đường bê tông xuống chăm sóc ba sào ruộng trồng ớt, dưa hấu. 60 tuổi, ông Gia thành thạo từng khâu chăm sóc, tưới bẵm. Cắm nguồn điện được kéo ra tận ruộng, ông Gia khởi động máy bơm. Phần “thủ công” nhất có lẽ là khâu chăm sóc cỏ, bởi chưa có loại máy móc nào hỗ trợ.
Những con đường bê tông khang trang chạy dọc từ các thôn xóm Điện Trung ra cánh đồng Tân Bình 4. Ông Gia bảo, hơn hai năm nay triển khai mô hình nông thôn mới, đường dân sinh, đường nội đồng đều được bê tông hóa. Đường tốt, rộng hơn 3 m, đi ô tô cũng ra thăm ruộng được. Cũng theo ông Gia, mỗi sào ruộng canh tác, hộ dân đóng góp 100 nghìn đồng “đối ứng”, thực sự thay đổi bộ mặt sản xuất của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Hiệp (thôn Tân Bình 4) cho hay, chỉ vài năm trước, đường ruộng toàn đất đắp, lầy lội, sản xuất khó khăn, nhiều người bỏ ruộng. Giờ đường sá “ngon lành”, việc chăm sóc, thu hoạch hoa màu dễ dàng, cơ giới hóa, năng suất tăng lên rõ rệt. Người dân tăng cường xen canh, nâng cao số vụ canh tác, thu nhập từ ruộng đồng cải thiện.
Theo ông Phan Thanh Cảnh, Trưởng thôn Đông Lãnh, thôn được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới và hoàn thành sớm trước một năm so với kế hoạch. Bộ mặt nông thôn giờ hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt, hạ tầng giao thông cải thiện rõ rệt. Đường sá được bê tông hóa, nâng cấp, mở rộng, cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt, nhờ hỗ trợ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, kinh tế hộ gia đình.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch chuyên trách kinh tế UBND xã Điện Trung đánh giá: “Đường, điện đi trước “mở lối” phát triển sản xuất cho người dân. Có hệ thống GTNT tiện ích, năm 2014, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa trên diện tích 120 ha đất hoa màu, hình thành cánh đồng kỹ thuật, đưa mô hình sản xuất có hiệu quả cao, xen canh: ớt, ngô, đậu xanh, lạc, dưa hấu, tăng từ hai vụ lên bốn vụ sản xuất/năm. Với biện pháp cơ giới hóa được tăng cường, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đạt bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/ha; nhiều gia đình có thu nhập hàng năm từ 200 - 300 triệu đồng/ năm”.
Ông Trần Tình, Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho hay, xã cán đích nông thôn mới từ tháng 2/2015. Trong đó, toàn xã đã nhựa hóa và bê tông hóa 5/5km đường xuống cấp gần 7km đường trục thôn, xóm và gần 15,5km đường ngõ xóm được bê tông hóa, tránh cảnh lầy lội vào mùa mưa. Riêng đường nội đồng bê tông hơn 82% trong tổng số gần 15km. Đến nay, xã có bốn trạm bơm điện, gần 16km kênh mương được kiên cố hóa, hai HTX nông nghiệp khai thác, quản lý thủy lợi…, sản xuất kinh doanh phát triển.
Cuối năm 2014 thu nhập bình quân đầu người 22-24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động trong nông thôn có việc làm trên 95%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1% - 1,5 % năm, hiện toàn xã chỉ còn 3,03% hộ nghèo. “Xã đã kiểm tra phân loại từng đối tượng để có giải pháp thoát nghèo bền vững, không có tình trạng tái nghèo”, ông Tình cho biết thêm.
Dân tự nguyện hiến đất mở đường
Chạy dọc con đường tỉnh lộ 610B qua xã Điện Phong vào Điện Trung đến mạn Điện Quang, chúng tôi nhận thấy, vùng Gò Nổi giờ hoàn toàn thay da đổi thịt. Đường sá khang trang, thênh thang, sạch đẹp, lưu thông êm thuận, hoàn toàn được bê tông hóa, cứng hóa. Mảnh đất từng bị chia cắt bởi nước lũ, sập cầu, đường lầy lội giờ như chỉ còn lại trong kí ức. Chị Võ Thị Liên (thôn Nam Hà 2, Điện Trung) bán tạp hóa mặt tiền con đường “đẹp nhất xã” có dải phân cách trồng hoa, bốn làn xe chạy cho biết, ngày chính quyền xã vận động xây dựng nông thôn mới, gia đình chị không ngần ngại tự nguyện hiến 40m2 đất mặt tiền mở đường. “Số đất đó bán đi làm được một căn nhà mới, nhưng ai cũng chỉ nghĩ cho mình thì làm sao có đường tốt, giao thông thuận lợi”, chị Liên bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó chủ tịch HĐND xã Điện Trung cho hay, hầu như việc mở đường GTNT nào cũng vướng mặt bằng, kiến trúc của các hộ dân. Nhưng ai cũng tự nguyện đăng ký hiến đất. Người ít, người nhiều góp “sức dân” giúp chương trình nông thôn mới triển khai nhanh, hiệu quả. Tại thôn Đông Lãnh, Tân Bình Tư… phong trào hiến đất mở đường GTNT rất sôi nổi. Hai thôn điểm này cán đích nông thôn mới ngay từ cuối năm 2014, vượt tiến độ một năm.
Theo ông Trần Tình, có được kết quả triển khai chương trình nông thôn mới này, ngay từ đầu, xã tăng cường tuyên truyền, vận động sức dân; lập ban quản lý từ xã tới các thôn, với tinh thần công khai, minh bạch. Tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ 55%, người dân đối ứng 45%, xã vận động quyên góp từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp là người con quê hương chung tay góp sức. Phần còn lại, với đường dân sinh chia bình quân mức đóng góp cho các hộ; riêng đường nội đồng áp giá “đối ứng” cho các hộ dân theo diện tích canh tác. Tính trung bình mỗi hộ chừng 400 nghìn đồng, có thể quy đổi bằng ngày công
Tham gia đoàn công tác của Bộ GTVT thăm mô hình nông thôn mới xã Điện Trung mới đây, ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam đánh giá, không riêng Điện Trung, các mô hình nông thôn mới triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng GTNT thay đổi, cơ cấu kinh tế chuyển dịch, môi trường nông thôn cải thiện, xã có hệ thống thu gom rác thải, hóa chất nông nghiệp.
Theo: baogiaothong.vn