Đường trong lòng người
- Thứ hai - 25/08/2014 21:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mãi đến năm đổi mới, đất mới được phục hóa. Dân định cư phần nhiều là những anh lính đóng quân quanh vùng, xuất ngũ đưa vợ con dưới xuôi lên lập nghiệp. Dần dần dân cư lên tới trên 40 hộ với trên 200 khẩu, ngần ấy con người đi lại chủ yếu dựa vào con đường rừng, quanh co, nhỏ hẹp từ thời lập địa.
Đồng Giót giao thông cách trở, dân bức xúc. 3 nhiệm kỳ HĐND, ngần ấy năm thị trấn Trới có Nghị quyết mở đường vào đây đều ách tắc. Dự án vẽ ra, đặt trên bàn, ai nom thấy cũng hả hê. Đến đận GPMB mở đường. Chạm đến xé rào, sẻ vườn, chặt cây trồng lâu niên đến kỳ ăn quả… thì khự lại. Người bàn vào thì ít, kẻ ngãng ra thì nhiều. Hộ phía ngoài ỉ eo: Ăn nhiều ở mấy. Và rồi một làn sóng rì rầm: Đất đai có giá, cơ chế đền bù GPMB rành rành ra đấy.
Ai nói cũng có lý. Những giọt mồ hôi đổ xuống đất này, nhọc nhằn lắm mới thành vườn thành tược. Thành quả lao động riêng, bỗng chốc thành của chung. Rồi cơ chế thị trường tác động. Kẻ ở trong ngõ hẹp, mở đường rộng lợi nhiều. Người ở phía ngoài, xẻo “tấc đất, tấc vàng” - cuộc trao đổi này phải được ngang giá.
Chủ tịch UBND thị trấn Trới Trần Đình Công nói rằng: Chi ly vầy thì tiền đền bù GPMB nhiều gấp đôi tiền làm đường, đến đời “mục thất” mới xong, dân mới có đường to, ngõ rộng.
Chủ tịch Hội CCB thị trấn Nguyễn Quốc Kỳ cười phe phé, rồi nghiêm nghị: Bác Hồ nói “… khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Một sĩ quan cấp tá chỉ huy hàng quân có khác, vừa đùa vui đấy lại quân lệnh “như sơn” được ngay. Tôi ngỡ ngàng chưa hiểu. Chủ tịch UBND thị trấn Trới giải thích: Làm con đường vào Đồng Giót (khu 6) tưởng khó, nhưng nhờ tay các bác CCB này là xong.
Chủ tịch Hội CCB Nguyễn Quốc Kỳ trao đổi với ông Tề, người hiến hơn 800m2 đất làm đường.
Mồ hôi đổ xuống đất này bao năm, cây đến ngay cho quả, phá đi cũng tiếc của.
“Cây nhà tôi còn to hơn nhiều. Nay mai đường mở đi qua đây, nhà ông ra mặt tiền bằng của đổ vào nhà”.
Phóng viên báo Xây dựng thực mục mới hay: Con đường mới mở còn thơm mùi vôi vữa. Đường liên thôn nom hoành tráng như Tỉnh lộ. Mặt đường rộng 7,5m, lớp bê tông đổ dày 20 cm, rộng 5,5m, chiều dài đang tiến sâu vào khu dân cư xóm núi.
Chi hội trưởng CCB khu 6 Nguyễn Hải Truyền đón đúng ý phóng viên, cho biết: Hội làm nòng cốt trong việc vận động bà con khu xóm hiến đất làm đường. Làm tư tưởng bắt đầu từ chính trong gia đình mình. Vốn dĩ từ trẻ đến già lợi ai cũng vơ vào lòng, chả ai nhả. Ngay bác quá nửa cuộc đời nơi chiến trường khói lửa, sẵn sàng vị quốc vong thân, nay chẳng dễ thảo lòng bỏ tấc đất cho người. Bà Nguyễn Thị Hợi, vợ CCB Trần Công Tề càng xót của hơn khi rút ruột “biếu” thiên hạ gần ngàn mét đất, tiền tỷ không ít. Chẳng riêng bà Hợi, ai tay hòm chìa khóa cũng vậy. Lý thuyết “mình vì tập thể” không ăn nhập, rốt cuộc phải chỉ ra được miếng lợi của mỗi người. Nay “bỏ con săn sắt, mai bắt cá rô”. Hiến đất làm đường chính là ta đầu tư kinh tế cho ta, đường mở đến đâu giá nhà đất tăng vọt lên đến đó. Người hưởng lợi chính là ta, không phải hàng xứ.
Vợ chồng bác CCB Trần Công Tề hạ bút, phá rào hiến 805m2 vườn tược, cây cối đang xum xuê như hình ảnh mẫu. Rồi các bác hội viên như Nguyễn Huy Bình, Lê Thanh Hảo, Hoàng Văn Thách… đốn chặt cây cối, hiến từ 430m2 đến 470m2. Các bác Hoàng Hưu Luân, Nguyễn Đăng Bình, Đoàn Văn Ngọc… hiến từ 130m2 đến 350m2. 13 hội viên CCB - kẻ ít người nhiều tùy thuộc vào tuyến đường ngang qua mà hưởng ứng, tổng diện tích tới 4.555m2. Khéo tuyên tuyền lợi ích con đường và thuyết phục bằng thực tế, gia đình hội viên gương mẫu đi trước, làng nước theo ngay. 18 hộ kế đó không còn tỵ nạnh, vén tay cắt vườn, ao, chuồng… thậm chí cả một phần nhà cửa để làm đường vào Đồng Giót.
Hôm phát cây mở tuyến, động thổ, khí thế rầm rộ như ngày “tiêu thổ kháng chiến”. Con đường như mở chính trong lòng người. Ai cũng hồ hởi, tự hào con đường chung này có phần đóng góp của gia đình mình, chẳng phải ăn chực, ăn rình nhà ai. Vô tình con đường như cây cầu nối tình làng nghĩa xóm và tạo ra nét đẹp văn hóa ở khu dân cư.
Niềm vui của vợ chồng bác CCB nhà từ xó núi nay bung ra mặt đường.
Bác Nguyễn Thị Hợi và bao cô bác ở xóm núi này, ngày Hội CCB đến vận động hiến đất làm đường, rầu rầu tính toán thiệt hơn, bàn chùn. Nay niềm vui hiển hiện, bởi nhà cửa trong xó núi bỗng chốc đẩy ra mặt tiền, mở nghề ngỗng gì cũng thuận lợi, đất hái ra tiền. Đồng Giót sớm chiều người già thả bộ dưỡng sinh trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn quanh suối Váo, trên rừng cây xanh chim hót gọi bầy, dưới nước cá bơi tìm bạn. Cảnh trí nên thơ.
Đường vào xóm núi to, rộng như Tỉnh lộ.
Tôi thầm nghĩ, thực tế đường mở đến đâu, người ở đến đó, nay mai thị trấn Trới lên đô thị loại 4, phố xá mở rộng. Đồng Giót nay còn thưa người, biết đâu nay mai nơi đây sẽ là một đô thị đông đúc. Và rất có thể là một khu du lịch sinh thái, bởi Thác Nhòng - thượng nguồn sông Trới thiên tạo cảnh đẹp. Đập nước Đồng Ho, cấp nước sạch cho cả phía Tây thành phố Hạ Long, bên bờ di sản thiên nhiên thế giới. Đất thiêng có miếu “ba cô” - di tích tâm linh chứa nhiều bí ẩn, hiện khách xa gần vẫn đáo lai.
Vũ Phong Cầm
Nguồn baoxaydung.com.vn