Duy Vinh xây ngày mới từ “4 không”

Duy Vinh xây ngày mới từ “4 không”
Xã Duy Vinh (Duy Xuyên - Quảng Nam) là nơi hội tụ của 3 dòng sông lớn: Thu Bồn - Ly Ly - Bà Rén. Trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt, người dân nơi đây luôn kiên trung, bám trụ đến cùng để giữ từng ngọn dừa, khóm tre. Hôm nay, bà con lại chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Một ngày nắng đẹp, theo chân người bạn cũ, chúng tôi tìm về Duy Vinh. Đi trên con đường làng vừa được bê-tông hóa, chạy quanh co, uốn lượn giữa những hàng cau tỏa hương thơm nồng nàn đến ngây ngất, trong bầu không khí trong lành của miền thôn dã, lòng tôi trào dâng một cảm giác khó tả.

Cách đây khoảng 15 năm, muốn về Duy Vinh, phải dùng ghe, thuyền hoặc vượt qua cây cầu tre chông chênh từng được xem là dài nhất nước (khoảng 500m). Chính vì vậy, cứ đến mùa mưa lũ, Duy Vinh bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường, trạm hầu như không có. Người dân càng nghèo đói lại càng mặc cảm, kéo theo nạn thất học, rượu chè, trộm cắp, đánh nhau, phạm pháp... xảy ra như cơm bữa. Giữa lúc ấy, ông Trần Duy Năm, Bí thư Đảng ủy (nhiệm kỳ 1992 - 1996) đã cùng lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc xã Duy Vinh bàn bạc, thống nhất và đưa ra mô hình “4 không” - không nợ nần dây dưa, không nghèo đói, không vi phạm pháp luật, không mù chữ - áp dụng với từng dòng họ. Kể từ đó, mô hình “4 không” đã nhanh chóng trở thành giao ước thi đua bất thành văn giữa hơn 30 dòng họ ở Duy Vinh.

Một nội dung trong “4 không” được nhiều dòng họ tích cực thực hiện là “không mù chữ”. Một số tộc lớn trong xã như: Trần, Nguyễn, Võ Đăng, Khương, Phan... còn phát động con cháu trong dòng tộc xây dựng quỹ khuyến học và xóa đói giảm nghèo được gần 10 năm nay. Tuy tiền chưa nhiều nhưng có thể giúp cho các thành viên tạo dựng cuộc sống ổn định và khuyến khích các cháu yên tâm học tập.

Chủ tịch UBND xã Duy Vinh Phan Công Nhanh hãnh diện cho biết: “Trước đây, nhà nào ở Duy Vinh có con học đến lớp 10 là “ngon” lắm rồi. Học hết trường làng, lên trung học phổ thông, con em của xã phải sang tận Hội An học, khổ lắm! Những năm gần đây, bà con xa quê đã đóng góp kinh phí xây trường mới cho các cháu có nơi học hành đàng hoàng. Hiện 100% học sinh trong độ tuổi đi học của xã được học trong những ngôi trường khang trang, không có trường hợp nào phải bỏ học giữa chừng”.

Bên cạnh đó, nhờ chủ trương phát triển kinh tế năng động với cơ chế mở, nhiều nghề truyền thống ở Duy Vinh như dệt chiếu, đan lát, đánh bắt hải sản... được phục hồi và đầu tư thỏa đáng. Chiếc cầu tre năm xưa nay được thay bằng cầu bê -tông vĩnh cửu. Chiếu Bàn Thạch ngày càng nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Từ 7 chiếc thuyền máy công suất èo uột, Duy Vinh hiện có hơn 200 chiếc tàu đánh cá tổng công suất hơn 2.000 mã lực. Nhiều ngư dân trong xã còn đầu tư hàng tỷ đồng đóng mới tàu đánh bắt xa bờ với công suất 200-300 mã lực; 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.

Trong “4 không”, chính quyền xã Duy Vinh tâm đắc nhất với “không vi phạm pháp luật”. Ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng công an xã, chứng minh: Năm 2011, toàn xã xảy ra hơn 10 vụ liên quan đến 15 đối tượng nhưng từ đầu năm 2012 đến nay chỉ còn vài vụ với 5-7 người liên quan và cũng chỉ là say rượu, gây gổ, làm mất trật tự thôn xóm.

“Một môi trường sống mà người dân không thất nghiệp, chịu sự giáo dục của dòng họ và tác động của xã hội, không muốn vì mình mà tộc trưởng phải đứng lên kiểm điểm trong mỗi kỳ gặp mặt truyền thống giữa chính quyền và các dòng họ... sẽ dẫn dắt người ta đến với chân - thiện - mỹ”, ông Năm đúc kết.

Trên đường đưa chúng tôi đi thăm làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, ông Nhanh cho biết: “Để phát huy thế mạnh của địa phương, Đảng ủy, UBND xã Duy Vinh xây dựng dự án du lịch sinh thái gắn kết với văn hóa, cộng đồng, làng nghề để phát triển bền vững. Sau thời gian nỗ lực chuẩn bị, đầu tháng 7/2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam chính thức khai trương và đưa vào hoạt động làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu tại thôn Trà Đông. Sự kiện này đánh dấu nỗ lực xây dựng sản phẩm mới của ngành du lịch Quảng Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để cộng đồng cư dân ở làng quê này cùng hưởng lợi từ du lịch”.

Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Đỗ Thị Thuyền, 83 tuổi, ở thôn Trà Đông, một trong những người có thâm niên hơn 70 năm làm nghề dệt chiếu. Bên khung dệt đã nhẵn bóng do thời gian, cụ Thuyền cho biết: “Làng nghề dệt chiếu ở đây ra đời rất sớm, từ thế kỷ 16-17 và gắn liền với thương hiệu chiếu Bàn Thạch. Gia đình tôi làm nghề dệt chiếu từ nhiều đời nay. Bây giờ cả con trai, con dâu và cháu nội vẫn tiếp tục theo nghề này. Từ khi làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu ra đời, gia đình còn có thêm niềm vui là được đón nhiều du khách ở khắp nơi đến đây thăm quan, tìm hiều và học nghề đan chiếu. Tuy cuộc sống của người dân làng nghề còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với cách làm ăn mới, gắn với du lịch thì tương lai làng nghề sẽ sáng lạn.”

Duy Vinh hiện có 1.030 hộ trồng cói. Riêng thôn Trà Đông đã có gần 100 hộ làm nghề trồng cói, dệt chiếu. Nghề thủ công truyền thống này hiện vẫn được lưu truyền, giữ nguyên phương thức sản xuất thủ công từ khâu trồng, thu hoạch nguyên liệu đến chẻ, phơi, nhuộm, dệt đều từ đôi tay khéo léo của người dân. Hằng năm, từ tháng 4 đến cuối tháng 7 âm lịch, người dân Duy Vinh lại rộn ràng vào mùa thu hoạch cói. Việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng khiến người dân yên tâm gắn bó với nghề. Xã đang tiến gần đến đích nông thôn mới.

Hội An

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn