EVN "hứa" tiết kiệm 1.800 tỷ đồng

EVN "hứa" tiết kiệm 1.800 tỷ đồng
Số tiền trên chiếm khoảng 5% chi phí sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong số 1.800 tỷ đồng trên, EVN phấn đấu kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí và chi tiêu, tiết kiệm tiết giảm 5% chi phí tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, tiết kiệm 162 tỷ đồng; giảm thêm 0,2% tỷ lệ điện tự dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện từ 9,5% kế hoạch đầu năm xuống còn 9,3%, tương đương giảm điện sản xuất và mua 225 triệu KWh, giảm chi phí 330 tỷ đồng.
Tái cơ cấu 

Đặc biệt, EVN phấn đấu tiết kiệm trong năm 2012 khoảng 1% sản lượng điện tiêu dùng trong xã hội (khoảng 1 tỷ KWh), giảm chi phí sản xuất điện được khoảng 1.300 tỷ đồng… Đơn vị này cũng cho biết sẽ cố gắng đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống nhân dân; rà soát các dự án và nhu cầu đầu tư để sử dụng vốn hiệu quả; đồng thời kiểm soát tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu tập đoàn, đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cam kết giảm chi phí. Ảnh: Như Ý.
 
Về việc thực hiện tái cơ cấu tập đoàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến cuối tháng 2 này, EVN sẽ thông qua kế hoạch chi tiết báo cáo Thủ tướng và các Bộ, ngành phê duyệt để triển khai thực hiện. Tập đoàn này sẽ tập trung vào sản xuất, kinh doanh điện năng, thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành như bàn giao toàn bộ EVN Telecom cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Đàm phán với các đối tác để bán bớt cổ phần tại Ngân hàng An Bình (AB Bank) và thực hiện việc chuyển nhượng vốn 5,3% tỉ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại AB Bank cho Ngân hàng HD Bank. Trong lĩnh vực bất động sản, EVN sẽ chuyển nhượng cổ phần tại các công ty mà tập đoàn này liên kết. Đối với bảo hiểm, EVN cũng đã chuyển nhượng cổ phân tại Công ty bảo hiểm Toàn cầu (GIC). Hội đồng thành viên Tập đoàn cũng đã có Nghị quyết thoái vốn trong kinh doanh chứng khoán nhưng hiện đang phải nỗ lực tìm đối tác để thoái vốn ở lĩnh vực này bởi tình hình thị trường tài chính chung quá khó khăn.

Ông Thanh cũng cho hay, EVN đang xin ý kiến Thủ tướng cho bán tiếp cổ phần đang nắm giữ tại các công ty phát điện đã cổ phần hoá như Thuỷ điện Thác Bà, Thác Mơ, Công ty cổ phần thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh…

Kiên quyết theo giá thị trường
Có mặt tại buổi Lễ ký cam kết cắt giảm chi phí, sáng 21/2 của EVN, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định chủ trương điều hành giá các mặt hàng năng lượng thiết yếu điện, than, xăng dầu là sẽ kiên quyết theo phương châm hướng tới điều hành theo cơ chế giá thị trường vào năm 2013. 

Điều này có nghĩa giá điện sẽ phải tiếp tục tăng để bù đắp tất cả các chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Tăng giá điện không những tạo điều kiện cho EVN phát triển mà còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực rất trọng yếu này.

Tuy nhiên, theo nhận định của người đứng đầu ngành tài chính, làm được điều này trong năm 2012 là vô cùng khó khăn. Chính phủ đặt ra hai mục tiêu quan trọng: theo cơ chế thị trường và chỉ tiêu lạm phát dưới hai con số. Hai mục tiêu này gần như trái ngược nhau, không gian chính sách và dư địa để cho doanh nghiệp phấn đấu là rất khó khăn.

Theo ông Thanh, khoản tiết kiệm chi phí 1.800 tỷ đồng chủ yếu nằm trong cơ cấu phát điện và mua điện. Với số tiền đó, EVN sẽ hạn chế tiền mua dầu phát điện bởi mỗi kWh điện phát dầu sẽ lỗ 3.000 đồng. Số tiền tiết giảm chi phí này sẽ không được EVN tính vào bù lỗ kinh doanh. Người đang tạm thời đứng đầu EVN cũng cho hay, năm 2012 tình hình kinh doanh lỗ hay lãi còn tuỳ vào giá điện, nếu được điều chỉnh tăng thì sẽ lãi.
 
Theo ĐVO