FTA và TPP với nông sản Việt - Động lực để thay đổi
- Thứ hai - 26/10/2015 23:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phải biết “chiến đấu”
Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhìn chung ở các lĩnh vực chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ nhất là công nghệ sau thu hoạch yếu kém, nên sẽ gặp nhiều bất lợi. Có thể nói, đó là hạn chế cơ bản của ngành nông nghiệp Việt Nam làm cho chất lượng nông sản thấp, chi phí cao, mới chỉ phát triển theo số lượng. Với lĩnh vực chăn nuôi, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng lẻo nên giá thành cao, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Nhưng theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, không phải nói đến khó khăn, thách thức rồi sợ hãi, cần xác định phải “chiến đấu” khi tham gia hội nhập, phải biết làm giảm thiểu và vượt qua những tác động tiêu cực.
Ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn khi TPP có hiệu lực. Ảnh: CAO THĂNG
Không cam chịu bị đào thải, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Đông Nam bộ, cho biết, giá thành gà công nghiệp (gà trắng) tại các trại nuôi bình thường hiện đang ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg. Nhưng nếu liên kết, giá thành sẽ giảm đáng kể. Điển hình 4 chủ trại gà của ông Ngọc và 3 người bạn tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Bel Gà (cung cấp con giống), Công ty TNHH De Heus (thức ăn) và Công ty TNHH San Hà (tiêu thụ), tạo ra chuỗi chăn nuôi khép kín từ con giống đến tiêu thụ sản phẩm được hơn một năm qua, giúp giá thành các trại tham gia chuỗi còn 26.000 - 26.500 đồng/kg. Với giá này, gà công nghiệp trong chuỗi liên kết có thể cạnh tranh được với thịt gà nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, giá thành gà công nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều nước không phải do năng suất, mà do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, con giống, thiết bị... Khi thuế nhập khẩu bãi bỏ, các trang trại tham gia chuỗi liên kết sẽ đứng vững, do giá con giống, thức ăn chăn nuôi, thiết bị... cũng sẽ giảm. Không phải ngẫu nhiên, tại buổi gặp gỡ báo chí TPHCM tuần qua nhân 20 năm Tập đoàn Cargill (Mỹ) đầu tư vào Việt Nam, ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Cargill Việt Nam, cho biết, nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 9 của Cargill chuẩn bị khánh thành tại Nghệ An. Theo ông Trương, với hội nhập, bên cạnh một bộ phận người chăn nuôi bị đào thải sẽ hình thành một lớp chủ trại mới, ít hơn nhưng chuyên nghiệp hơn, “thiện chiến” hơn, quy mô lớn hơn.
Ngược lại, với lĩnh vực nhiều lợi thế là thủy sản, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thách thức lâu nay trong ngành thủy sản vẫn còn đó, khiến cho những cơ hội có được từ TPP không có mấy giá trị. Giá thành đang là một thách thức lớn với ngành tôm, khi so sánh với đối thủ trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia. So với Việt Nam, nuôi tôm ở Ấn Độ có những lợi thế như giá thức ăn rẻ hơn 30%, giá giống rẻ hơn 50%, tỷ lệ nuôi thành công đạt 70% (Việt Nam chỉ đạt 30%). Vì thế, giá tôm của Ấn Độ rẻ hơn giá tôm Việt Nam 1 - 3USD/kg. Khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% thì con tôm Việt Nam vẫn khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ tại Mỹ. Đó là chưa tính đến hàng rào phi thuế quan nhằm bảo hộ sản xuất thủy sản trong nước họ, như yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe hơn, hay kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… Tham gia hội nhập, ngành nghề mạnh hay yếu thế vẫn có thể đứng chân nếu “biết mình biết ta”, xác định những phân khúc riêng có lợi thế.
Con đường duy nhất
Các hiệp định thương mại mở ra nhiều khả năng và cơ hội, nhưng biết nắm bắt cơ hội để giành lợi thế cạnh tranh, trước hết phải xuất phát từ nỗ lực của mỗi doanh nghiệp (DN) và người sản xuất. Cơ hội xuất khẩu những lĩnh vực lợi thế khi hội nhập sâu là có, nhưng sẽ không có ý nghĩa nếu không biết tận dụng được lợi thế này. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, cố vấn đoàn đàm phán TPP, nhấn mạnh, TPP mang đến cơ hội, nhưng cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường… Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cần biết nắm lấy cơ hội cũng như tìm cách giảm bớt thách thức mà TPP mang lại, biến thành động lực để đổi mới ngành nông nghiệp vốn chưa chú trọng nhiều đến chất lượng. Trong đó, cần tái cơ cấu lại cho phù hợp. Các mặt hàng nông sản dù có lợi thế hay không nếu không tự thân thay đổi đều sẽ bị tác động.
Nhưng cũng cần thấy rằng, cơ hội thắng thua của ngành nông nghiệp Việt Nam khi vào TPP không chỉ phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh mà còn cả vào môi trường kinh doanh. Điều này phụ thuộc vào nỗ lực của nhà nước trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng cho các DN. Để DN trụ được trong giai đoạn đầu, cần có chính sách đầu tư hợp lý, nâng đỡ cho ngành chăn nuôi và nền nông nghiệp nói chung. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, để tạo bước đột phá mới cho nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước, chỉ có con đường duy nhất, đó là áp dụng chính sách đất đai dài hạn, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới bằng cách đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt là khâu sau thu hoạch và chế biến, cũng như có chiến lược cho nông sản xuất khẩu. Nhà nước cần linh hoạt trong chính sách, pháp chế để DN có cơ hội thích nghi với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt của kỷ nguyên hội nhập.
TPP và các FTA khác là những chất xúc tác đối với các hoạt động kinh tế, đầu tư, xuất khẩu, nhưng có lẽ có ý nghĩa nhất là với cải cách trong nước, bao gồm cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, TPP sẽ tạo động lực cho thay đổi, cải cách, vì những cam kết trong TPP thuận chiều với những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện.
ĐĂNG LÃM