GS.TS Võ Tòng Xuân: Chuỗi giá trị cho thương hiệu gạo Việt

Không có sự liên kết với nông dân, không có vùng sản xuất gạo, không có nhà máy chế biến tối tân thì không thể có những hạt gạo đạt chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo trên thế giới. Đó là nhận định của GS.TS Võ Tòng Xuân về chiến lược xây dựng thương hiệu gạo Việt khi trả lời phỏng vấn Đại Đoàn Kết.
Việt Nam đạt kỷ lục xuất khẩu gạo cao hàng đầu thế giới  nhưng về mặt giá trị thì lại không cao Ảnh: Hoàng Long
PV: Trong nhiều năm nay, Việt Nam là một trong những nước đạt kỷ lục xuất khẩu gạo cao đứng đầu thế giới nhưng về mặt giá trị thì lại không cao. Theo GS, đâu là nguyên nhân sâu xa của vấn đề này?
 
GS.TS Võ Tòng Xuân: Người tiêu dùng các nước không tin tưởng chất lượng gạo Việt Nam. Thiếu chính sách phát triển đồng bộ thì các cơ quan chức năng khác lại đổ lỗi cho các nhà khoa học vì không lai tạo ra được những giống lúa chất lượng cao. Điều này hoàn toàn không đúng. Trước đây, năm 1993, một công ty Mỹ đã liên doanh với công ty Vina Food sản xuất và xuất khẩu gạo. Trong vòng 2 năm họ đã có gạo tốt xuất khẩu là giống IR64 với giá trị trên 500 USD/tấn. Và mình mong muốn "đuổi” họ đi để lấy thị trường. Nhưng sao lại như thế được? Bởi vì, để có thể có được sản phẩm xuất khẩu tốt như  IR64 họ có máy móc hiện đại chế biến ra bao gạo tốt. Trong khi đó, hiện nay lúa gạo chủ yếu do thương lái mua sau đó bán lại tại nhà máy đánh bóng và trộn gạo rồi bán cho công ty. Nếu cứ có kiểu làm ăn chụp giật như thế thì sao có thể tạo ra được thương hiệu gạo Việt. 
 
 
GS. Võ Tòng Xuân
 
Vậy việc xây dựng thương hiệu gạo Việt có phải là đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao hay nên chọn những loại lúa phù hợp với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước?
 
- Hiện nay Thái Lan chỉ trồng khoảng 2-3 giống lúa. Bộ Thương mại Thái Lan ký hợp đồng với nông dân và nông dân phải đưa sản phẩm trồng trọt của mình đến Bộ Thương mại kiểm định xem có đúng với giống lúa như hợp đồng hay không. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì đến mua và không sợ có tình trạng trộn gạo làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo. Cho nên Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu cho gạo Việt phải xem xét kỹ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường tiêu thụ. Ví dụ, đối với thị trường Philippine, không cần gạo thượng hạng và cao cấp thì xem họ muốn loại gạo gì mình đáp ứng loại gạo đó. Thị trường Trung Đông cần gạo ngon, thơm như gạo Thái thì mình đáp ứng sản phẩm đúng yêu cầu. Khi đó các nhà khoa học trong nước sẽ sản xuất giống và quy trình trồng trọt cho nông dân. Với quy trình đó, địa phương phải hướng dẫn nông dân trồng trọt đúng kỹ thuật. Và nếu theo quy trình, chi phí sản xuất của nông dân cũng giảm, thay vì 4.400 đồng/kg thì chỉ ở mức 2.200 đồng/kg. Như vậy, bản thân nông dân cũng có lợi nhuận cao hơn. Song, điều nghịch lý đang tồn tại trong ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam là kể cả nông dân và cán bộ địa phương không muốn trồng lúa không có năng suất, giống lúa phải đạt 6-7 tấn/ha mới đạt chuẩn. Trong khi đó, tại Thái Lan họ chỉ trồng giống lúa 3 tấn/ha nhưng đảm bảo gạo chất lượng cao.
 
 
Giống lúa là một nguyên nhân khiến gạo Việt Nam 
chưa cạnh tranh được với các "đối thủ” nước ngoài
 
Sau nhiều năm đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trên thực tế điều này còn mù mờ và xa lạ với ngành nông nghiệp Việt Nam?
 
- Cánh đồng mẫu lớn là mắt xích của chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo Việt Nam, phục vụ tốt cho hoạt động thương mại tạo ra hạt gạo dài, dẻo, trong thu hút nhu cầu sử dụng của khách hàng. Không có sự liên kết với nông dân, không có vùng sản xuất gạo, không có nhà máy chế biến tối tân thì không thể có những hạt gạo đạt chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo trên thế giới. Cho nên phải giải quyết đồng bộ toàn chuỗi giá trị chứ không giải quyết từng mắt xích. Khi các tỉnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn cần thiết xem xét doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tránh tình trạng thương lái hoành hành "dìm” giá nông dân. 
 
Chiến lược xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng gạo Việt trước hết phải quan tâm điều gì cụ thể nhất, thưa GS?
 
- Muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt phải xác định giống lúa muốn trồng. Giống độc đáo không cần năng suất cao. Hiện nay nhiều địa phương có những giống lúa tạo ra hạt cơm trắng, dẻo thơm ngon như gạo như: Điện Biên (tỉnh Điện Biên), nếp cái Hoa vàng (Thái Bình), gạo Nàng thơm chợ Đào (tỉnh Long An)… Nói tóm lại, để có được những hạt gạo chất lượng đòi hỏi phải xác định giống, phải phân tích đất xem dưỡng chất đất đó như thế nào, cân đối lượng phân, chăm sóc đúng kỹ thuật. Khâu chế biến cũng phải hiện đại như: xay xát, tách màu (bỏ hạt gạo vàng và thâm đen). Gia nhập WTO tức là xuất nhập khẩu hàng hóa vào các nước với thuế suất bằng 0, tuy nhiên rào càn hoàn toàn không nhỏ. Cho nên cần tạo ra hạt gạo chất lượng để người tiêu dùng các nước dám đặt niềm tin vào gạo Việt. 
 
Theo GS, các nhà hoạch định chính sách phải làm gì để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa bảo đảm phát triển bền vững ngành nông nghiệp lúa gạo?
 
- Muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải lấy vai trò của người nông dân làm gốc, không để họ tự bơi một mình, họ phải làm giàu được từ cây lúa. Nhà nước nên phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, nông dân cần được thành lập thành vùng sản xuất với những hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã công lại hình thành cánh đồng mẫu lớn. Và, doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực để cùng hợp tác xã đồng hành với nông dân. Về phía nông dân, nông dân phải tự đổi mới tư duy và kỹ thuật trồng lúa và nhất là phải liên kết lại với nhau thành một khối vững mạnh. Có như vậy, nền nông nghiệp Việt Nam mới bền vững được cả về mặt môi trường và kinh tế.
 
Trân trọng cảm ơn GS!
 
THANH GIANG (thực hiện)
theo daidoanket
 
Dù giá tăng hay giảm, theo TS. Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp, người nông dân vẫn thiệt thòi nhất. Hiện nay nhiều nông dân bán sản phẩm ngay tại ruộng để lấy chi phí cho quá trình sản xuất. Điều đáng quan tâm nữa là do thể chế chính sách của chúng ta về thu mua nông sản, kênh thị trường chưa hiệu quả, thiếu kết nối giữa các kênh từ nhà cung cấp đầu vào, nông dân, thương nhân trung gian, nhà chế biến, nhà xuất khẩu/bán lẻ… Cũng theo đánh giá của ông Đặng Kim Sơn, một nguyên nhân dẫn đến giá xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn thế giới là do chính sách của chúng ta còn ngắn hạn, chưa rõ ràng và không đáng tin cậy, các tiêu chuẩn kỹ thuật và nguồn gốc xuất xứ chưa chặt chẽ, thông tin chưa minh bạch. Đơn cử như câu chuyện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khi xét các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không có bóng dáng của doanh nghiệp nào liên kết với nhà sản xuất, trong đó Công ty Bảo vệ thực vật An Giang là đơn vị thực hiện cánh đồng mẫu lớn chưa được tham gia.  
Minh Trang