GTNT ở Bình Dương: Bước đột phá lớn

GTNT ở Bình Dương: Bước đột phá lớn
Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và được chú trọng đầu tư hệ thống giao thông nông thôn (GTNT), Bình Dương đã có những bước đột phá lớn và đang tiếp tục được hoàn thiện qua từng năm.

 

Nhờ có sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền và đóng góp, hỗ trợ tích cực của người dân, hệ thống GTNT ở Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc. Ông Trần Văn Thấy, Giám đốc Sở GTVT Bình Dương cho biết, ngay sau khi tái lập tỉnh Bình Dương năm 1997, Bình Dương đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng GTNT. Tại thời điểm này, phương tiện giao thông đi lại trên các tuyến đường GTNT còn gặp rất nhiều khó khăn, kết cấu mặt đường chủ yếu là đất nên vào mùa mưa trở nên lầy lội, tỷ lệ nhựa hóa chỉ đạt 1%.

Hệ thống GTNT phát triển sẽ góp phần cải tạo đời sống người dân vùng sâu, vùng xa
Hệ thống GTNT phát triển sẽ góp phần cải tạo đời sống người dân vùng sâu, vùng xa

Qua 15 năm xây dựng và phát triển phong trào GTNT, quán triệt thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tính đến nay Bình Dương đã có hơn 3.283km đường GTNT so với năm 1997 chỉ đạt 1.714km. Các tuyến đường GTNT đã được nâng cấp, mở rộng khang trang hơn, kết cấu mặt đường được sử dụng đa dạng: cấp phối sỏi đỏ, bê tông xi măng, láng nhựa... tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đạt 15,1%. Hầu hết các đường trục chính dẫn vào trung tâm các xã đều đã được nhựa hóa, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân nông thôn được nâng cao, rút ngắn khoảng cách với thành thị.

Ông Trần Văn Thấy cho biết thêm, từ năm 2000 đến nay, sau 10 năm xây dựng mô hình nông thôn mới, cù lao Bạch Đằng vẫn chưa thoát nghèo, đời sống nhân dân chưa được cải thiện nhiều vì ngăn sông cách trở. Việc đi lại của người dân chủ yếu bằng phà đã hạn chế rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Tân Uyên nói chung và xã cù lao Bạch Đằng nói riêng. Việc mới thông xe cầu Bạch Đằng nối thông cù lao và cùng với đó là trục hệ thống giao thông ven cù lao, đường dẫn vào trung tâm xã vừa mới được nhựa hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thu hút du khách du lịch đến với cù lao Bạch Đằng nên đời sống người dân phần nào được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc xây dựng GTNT trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài việc phải đáp ứng theo đúng các quy định của tiêu chí thì công tác vận động người dân cũng gặp khó khăn bởi giá trị đất hiện đang ngày càng tăng cao. Tại nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cây trồng gặp nhiều khó khăn dẫn đến sự chậm trễ việc bàn giao mặt bằng cho công trình.

Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đề ra về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Dương đã gắn phong trào GTNT vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 làm căn cứ để các địa phương chỉ đạo việc xây dựng, phát triển nông thôn mới và là cơ sở đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

“Qua 15 năm thực hiện phong trào GTNT, hàng năm các địa phương cấp huyện, xã của tỉnh trên địa bàn tỉnh đều được Bộ GTVT tặng bằng khen, cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển GTNT. Đặc biệt trong năm 2012, nhân dân và cán bộ thị xã Thuận An vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng và phát triển phong trào GTNT”, ông Thấy cho biết.

Vĩnh Phú
Theo 
giaothongvantai.com.vn