Gà Lạc Thủy đang từng bước được người tiêu dùng biết đến
- Chủ nhật - 04/06/2017 20:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm duy trì, tạo nguồn gen gà quý và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà đồi Lạc Thủy, từ năm 2013 đến nay, huyện Lạc Thủy đã phối hợp nhân rộng mô hình nuôi gà bản địa với sự hỗ trợ của Viện Chăn nuôi, Chi cục Thú y Hòa Bình và các doanh nghiệp sản xuất con giống trên địa bàn.
Nuôi gà Lạc Thủy thả vườn |
Đây là giống gà địa phương được nông dân huyện Lạc Thủy nuôi từ lâu. Khi trưởng thành gà có ngoại hình gần giống với gà Mía (Sơn Tây), nhưng qua khảo sát đánh giá của các chuyên gia Viện Chăn nuôi, giống gà Lạc Thủy có một số điểm khác biệt và ưu điểm vượt trội hơn hẳn.
Giống gà này là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình và có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn. Bộ lông mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Lông mọc sớm nên có sức đề kháng khá tốt với thời tiết quanh năm. Gà con có bộ lông đồng nhất màu trắng ngà, tốc độ mọc lông “siêu nhanh”, chỉ sau 1 tuần tuổi đã mọc hết lông cánh, sau 4 tuần tuổi có thể phân biệt trống, mái qua đặc điểm ngoại hình. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của giống gà Lạc Thủy, mà không giống gà nào khác có được.
Khi 4 tuần tuổi, con mái có lông trắng, hồng nhạt, con trống lông đã bắt đầu ngả màu đỏ tía. Khi trưởng thành con mái có lông màu lá chuối khô, hơi giống với gà mía, nhưng con trống thì hoàn toàn khác, rất đẹp với bộ lông màu mận chín, đỏ tím, da chân vàng. Tỷ lệ nuôi sống khoảng 90 - 93%. Gà chăn nuôi tốt ở phương thức nuôi nhốt và chăn thả, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại và bán trang trại.
Tại xã Phú Thành, có một nông dân đang góp sức bảo tồn, phát triển giống gà Lạc Thủy, đó là bà Nguyễn Thị Hải, thôn Đồng Danh. Bắt tay vào nuôi gà cách đây khoảng 20 năm, nguồn giống gà ban đầu được chọn mua trong dân, sau đó gia đình tự chọn lọc, sản xuất giống. Với số lượng ban đầu vài trăm con, đến nay tổng đàn gà của gia đình đã có trên, dưới 5.000 con (trong đó gà đẻ có khoảng 2.000 con, gà thịt 3.000 con) được nuôi trên diện tích đất gần 2ha.
Bà Hải chia sẻ: “Tập trung vốn cùng nhiều công sức bỏ ra, hiệu quả chăn nuôi thấy rõ qua các năm bởi giống gà này có khả năng chống chịu bệnh tốt, dễ nuôi, mẫu mã đẹp, chất lượng thịt ngon, được thị trường đánh giá cao. Khoảng 4 - 4,5 tháng thì gà đến kỳ xuất bán, gà trống có trọng lượng từ 2kg trở lên, gà mái 1,5 - 1,7kg”.
Năm 2016, gia đình bà Hải xuất bán ra thị trường 18 tấn gà thịt, với giá dao động từ 85.000 - 95.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm), sau khi trừ chi phí thu về 400 - 500 triệu đồng. Ngoài cung ứng gà thương phẩm, mỗi tuần gia đình bà còn bán ra thị trường 2.000 con gà giống với giá 12.500 - 13.000 đồng/con để các hộ dân có nhu cầu phát triển mô hình nuôi gà Lạc Thủy.
Một hộ chăn nuôi khác cũng chuyên tâm phát triển và tham gia bảo tồn giống gà Lạc Thủy bản địa là ông Trần Minh Quyến ở thôn Phú Thắng, xã Phú Thành. Hàng năm gia đình ông duy trì nuôi 1.000 con gà mái đẻ, gà được nuôi nhốt kết hợp chăn thả giúp tận dụng diện tích đất vườn hiện có.
Ông Quyến cho biết, gà Lạc Thủy có màu lông đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt trong các dịp lễ, tết; chất lượng thịt thơm ngon, dai ngọt, nên gà sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Với 1.000 gà đẻ mỗi ngày gia đình ông thu hoạch được khoảng 400 quả trứng (trong đó đưa vào ấp 200 quả, còn lại 200 quả bán ra thị trường với giá 6.000 đồng/quả).
Hiện nay, ông Quyến duy trì nuôi gà Lạc Thủy không chỉ với mục đích mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời ông còn muốn tuyên truyền, vận động để đông đảo bà con nông dân cùng nuôi nhằm nhân rộng, bảo tồn giống gà quý hiếm của địa phương.
Ngoài các hộ như trên, huyện Lạc Thủy còn nhiều hộ nuôi gà bản địa quy mô lớn như ông Bùi Thanh Tùng ở thôn Đồng Danh, xã Phú Thành, ông Trịnh Văn Tuấn ở thôn Tân Phú, xã Phú Thành, ông Nguyễn Văn Hoạt ở thôn Đồng Hải, xã Đồng Tâm...
Theo ông Hoàng Đình Chính, Phó phòng NN-PTNT huyện Lạc Thủy, để bảo tồn nguồn gen và phát triển chăn nuôi gà bền vững, trong thời gian tới Phòng NN-PTNT tham mưu cho UBND huyện thực hiện các cơ chế hỗ trợ, các mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế. Trích nguồn kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể gà Lạc Thủy. Tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục đầu tư mở rộng vùng sản xuất cũng như quy mô đàn để từng bước nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm gà Lạc Thủy đến với mọi miền của đất nước. |