Gà mía hữu cơ, hướng làm giàu của bà con Hoành Bồ

Gà mía hữu cơ, hướng làm giàu của bà con Hoành Bồ
Là đặc sản của đất Đường Lâm (Hà Nội), gà mía đang được huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), liên kết để khai thác lợi thế từ vườn rừng.

Gà mía là giống gà đặc sản ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội có chất lượng thịt thơm ngon, thích hợp với điều kiện chăn thả tự nhiên, dễ nuôi.

ga-691.jpg

 Cán bộ kỹ thuật, Công ty Việt Dũng (trái) hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà cho các hộ dân.

Với những ưu điểm trên, huyện Hoành Bồ đã liên kết với doanh nghiệp, triển khai mô hình nuôi gà mía hữu cơ, tại 2 xã Lê Lợi và Vũ Oai, để khai thác lợi thế vườn rừng, tăng thu nhập cho người dân.

Tháng 6/2019, tận dụng ưu thế vườn rừng rộng, ông Ôn Văn Bảy, thôn Đồng Cháy, xã Vũ Oai đăng ký nuôi gà mía hữu cơ. Đây là mô hình chăn nuôi tập trung lớn nhất của xã hiện nay.

Tham gia mô hình, ông  được Công ty CP Tư vấn đầu tư Việt Dũng hướng dẫn xây chuồng trại, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăn nuôi và cung ứng toàn bộ thức ăn hữu cơ.

Ông Bảy chia sẻ: Giống gà này có ưu điểm là khả năng chịu rét rất tốt, và thời gian sinh trưởng ngắn. Chỉ sau 4 tháng, đã đạt kích cỡ thương phẩm 1,4-1,6kg đối với gà mái và 2-2,2kg đối với gà trống.

Do vậy, một năm, trung bình mỗi hộ nuôi quay vòng từ 2 - 3 lứa. Gia đình tôi hiện đang nuôi 15 chuồng, với tổng số 15.000 con gà mía, kết hợp vườn rừng rộng, chăn thả  tự nhiên, nên gà thơm ngon và ngọt thịt.

Thông qua liên kết nuôi gà mía hữu cơ ở Hoành Bồ, Công ty Việt Dũng, đã mang đến cho bà con cách thức nuôi tập trung, để gia tăng sản phẩm, lợi nhuận sau khi nuôi.

Đồng thời, kiểm soát được dịch bệnh, cũng như không phải lo thị trường đầu ra, vì công ty đã bao tiêu toàn bộ.

Hiện, mô hình liên kết nuôi gà mía hữu cơ, đã triển khai tại 2 xã Lê Lợi và Vũ Oai, với tổng số 10 hộ tham gia/29 chuồng nuôi, quy mô 1.000 con/chuồng.

Việc triển khai mô hình liên kết này, bước đầu hình thành vùng chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, vừa quản lý dịch bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Văn Chính, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, cho biết: Khi nuôi gà mía theo công nghệ hữu cơ, Công ty Việt Dũng đã làm việc với chúng tôi, cam kết trong hợp đồng về đầu ra 100% sản phẩm, thu mua đúng ngày, đúng tiêu chuẩn, đúng giá thị trường. Thế nên, sau lứa nuôi đầu tiên 2.000 con, tôi sẽ đầu tư thêm chuồng, để mở rộng quy mô chăn thả.

Mô hình gà mía hữu cơ Hoành Bồ, có sự liên kết giữa hộ dân và doanh nghiệp, trong cung cấp dịch vụ đầu vào, cũng như tiêu thụ sản phẩm, nhằm giảm bớt khâu trung gian, gia tang thu nhập cho người chăn nuôi.

Ngoài 2 xã Vũ Oai và Lê Lợi, thời gian tới, mô hình nuôi gà mía hữu cơ sẽ tiếp tục được huyện Hoành Bồ mở rộng ở các xã Hòa Bình, Sơn Dương, Đồng Lâm và Tân Dân.

Theo ông Tô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, sau khi tổng kết hiệu quả mô hình, thời gian tới, với việc tiếp tục điều chỉnh quy hoạch XDNTM, huyện sẽ xem xét những điều kiện cụ thể, để hình thành vùng nuôi gà tập trung, nhằm quản lý chặt chẽ, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Về xã miền biển Hà Tĩnh mua gà "chạy bộ"

Tận dụng diện tích đất vườn rộng, mỗi năm, người dân Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nuôi và xuất bán ra thị trường trên 200 ngàn con gà "chạy bộ", mang lại thu nhập khá cao cho các hộ nuôi.

ga-33.jpg

 Mỗi năm bà Khương xuất bán khoảng 3.000 con gà, thu lợi nhuận cao.

Có diện tích vườn lên đến trên 2.000m2, nhưng chủ yếu là đất cát ven biển, nên gia đình bà Nguyễn Thị Khương (thôn Phú Hòa, xã Cẩm Hòa) khó lựa chọn được loại cây, con phù hợp để phát triển kinh tế.

Sau một thời gian tìm hiểu, cùng với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền, bà Khương đã đầu tư nuôi gà “chạy bộ”. Theo đó, toàn bộ diện tích đất vườn, được bà khoanh lại để vừa làm chuồng, vừa làm nơi thả gà.

Với không gian rộng, gà được thả nuôi trong môi trường tự nhiên, nhờ đó sinh trưởng và phát triển rất nhanh.

“Ban đầu chỉ nuôi vài trăm con, sau đó tăng dần lên, đến nay nhà tôi đã thả nuôi bình quân mỗi năm 3.000 con. Vừa rồi, chúng tôi đã xuất bán 1.000 con, nên giờ chỉ còn  2.000 con.

Nhờ nuôi quy mô lớn, khi xuất bán, thương lái đến tận nhà thu mua, nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, tôi  không phải mất công nhiều” - bà Khương cho biết.

Còn đối với ông Hồ Xuân Hùng (thôn Phú Hòa), với diện tích đất vườn gần 10.000m2, ngoài việc trồng keo, tràm, ông tiến hành thả trên 2.000 con gà lai trọi. Nhờ nuôi theo hình thức xen gối nên tháng nào ông cũng có từ 400 – 500 con gà xuất bán, mang lại thu nhập từ 8-9 triệu đồng/tháng.

“Ở đây chủ yếu là đất cát ven biển nên trồng cây gì cũng khó, đi biển thì không được như trước, hơn nữa đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Nhờ có nghề nuôi gà mà tôi có điều kiện nuôi được mấy đứa con học hành đến nơi đến chốn” – ông Hùng chia sẻ.

Ông Trần Đình Cúc - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Cẩm Hòa có hàng trăm mô hình nuôi gà, trong đó có trên 100 mô hình có quy mô từ 1.000 - 5.000 con/năm. Với hình thức gối lứa, tháng nào các hộ nuôi cũng có gà xuất bán. Bình quân, mỗi năm Cẩm Hòa bán khoảng trên 200.000 con gà ra thị trường. Nhờ nuôi thả vườn với không gian thoáng đãng, rộng rãi nên chất lượng gà của Cẩm Hòa rất ngon.

“Chỉ tính mức bình quân nuôi 100 - 120 con gà/lứa, sau 3 - 3,5 tháng xuất bán, bà con sẽ lãi khoảng gần 5 triệu đồng, qua đó cải thiện rõ rệt đời sống ” – ông Cúc cho biết thêm.

Được biết, để gà sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian qua bà con Cẩm Hòa còn hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, chuồng nuôi được rắc men vi sinh, đến khi xuất bán là tiến hành dọn vệ sinh chuồng nuôi. Trong thời gian nuôi cứ 1 tuần, tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại một lần.

Bên cạnh đó, hầu hết bà con đều chọn mua giống gà tại Trung tâm giống Trung ương, con giống đều được tiêm vắc xin phòng bệnh nên tỷ lệ gà sống luôn đạt trên 95%. Từ năm 2015 cho đến nay tại Cẩm Hòa không có dịch bệnh xảy ra trên gà.

Quảng Ngãi: Đóng mới tàu cá, ổn định số lượng, nâng chất lượng

Nhằm ổn định số lượng, nâng cao chất lượng tàu cá, hướng đến phát triển nghề biển bền vững, năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi, hạn chế cấp phép đóng mới tàu cá trên toàn tỉnh.

ca-6666.jpg

Số lượng tàu cá đóng mới giảm mạnh, để duy trì hoạt động, Công ty TNHH MTV Minh Quang đã phải sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Mỹ Hoa

Hiện, Quảng Ngãi có có 13 cơ sở được cấp phép đủ điều kiện nâng cấp, đóng mới tàu cá. Trung bình mỗi năm, 13 cơ sở này đóng mới khoảng 200 - 300 tàu, với trên 95% tàu vỏ gỗ. “Trước đây, mỗi năm chúng tôi đóng mới 15 - 20 tàu cá vỏ gỗ, nhưng 5 năm trở lại đây, mỗi năm chỉ đóng 7 - 9 chiếc.

Riêng hai năm 2018, 2019, hợp tác xã chỉ đóng mới vài chiếc tàu vỏ gỗ đăng ký từ trước, còn chủ yếu làm dịch vụ sửa chữa và nâng cấp”, Giám đốc HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang (Đức Phổ) Thái Văn Thi cho biết.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Minh Quang, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi)  hiện cũng rơi vào cảnh khó khăn. Trong hai năm 2016 và 2017, Công ty chỉ đóng mới 15 chiếc tàu vỏ gỗ, và 1 chiếc tàu vỏ composite đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, ngoài 2 chiếc tàu vỏ composite, công ty không đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ nào, nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong khi tàu composite chưa được nhiều ngư dân lựa chọn, còn tàu vỏ gỗ thì bị hạn chế đóng mới, nên doanh thu của đơn vị giảm mạnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung làm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Quang Đỗ Thanh Tú cho biết.

“Khó mấy cũng phải thực hiện”, đó là khẳng định của Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn. Bởi lẽ, việc hạn chế cấp phép đóng mới tàu cá, được thực hiện theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, đã được Tổng cục Thủy sản phê duyệt và UBND tỉnh công bố, nhằm ổn định số lượng, và nâng cao chất lượng tàu cá, tiến tới chuyển từ nghề cá nhân dân sang hiện đại.

Theo đó, toàn tỉnh có 4.562 giấy phép khai thác thủy sản trên biển (riêng vùng khơi có 3.338 giấy phép). Song, Sở Nông nghiệp chủ động điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch giấy phép khai thác tại vùng lộng, và vùng ven bờ, đối với các nghề thân thiện với môi trường (câu, vây, rê, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản).

Riêng hạn ngạch giấy phép của nghề lưới kéo, khai thác tại vùng lộng thì dừng đóng mới. Vì vậy, khi có tàu cá bị chìm, xả bản, hoặc chủ tàu không hành nghề nữa, Chi cục Thủy sản sẽ xem xét, lựa chọn để cấp phép cho ngư dân khác, đóng mới tàu cá theo số hạn ngạch dôi ra.

Đối với các tàu cá được phê duyệt theo chính sách Nghị định 67, Nghị định 17, thì vẫn tiếp tục được đóng mới.

"Đối với tàu có chiều dài dưới 15m, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tập hợp danh sách, gửi Bộ Nông nghiệp xem xét và có hướng cấp bổ sung hạn ngạch.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp cho phép Chi cục Thủy sản, cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho khoảng 40 tàu cá trên địa bàn tỉnh, có chiều dài dưới 15m, nhưng công suất trên 90CV đã và đang hoạt động ở vùng khơi”, ông Toàn cho hay.

Theo An Như(Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn