Gắn kết “4 nhà” trong dạy nghề cho nông dân: Sống tốt bằng nghề

Gắn kết “4 nhà” trong dạy nghề cho nông dân: Sống tốt bằng nghề
Tạo đầu ra về việc làm cho nông dân (ND), đó là mục tiêu của các lớp dạy nghề cho ND. Tuy nhiên, điều này là rất khó nếu không có sự liên kết, đặc biệt là trong đào tạo nghề nông nghiệp.

Vấn đề khó khăn này đang được một số cơ sở dạy nghề “hóa giải” bằng liên kết 4 nhà và dạy nghề có địa chỉ.

Gắn dạy nghề với vùng nguyên liệu

 

Gan ket “4 nha” trong day nghe cho nong dan: Song tot bang nghe
Ông Võ Thanh Sang  bên mô hình sản xuất NNCNC của TT Nghiên cứu giống và thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt. Ảnh: M.N
Là một trong ít đơn vị được giao trọng trách dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cho ND, sau 3 năm triển khai Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã đã mở được 14 lớp, đào tạo nghề cho 430 lao động nông thôn, ở 4 xã trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt cho biết, bên cạnh nhiệm vụ dạy thành nghề thì điều quan trọng nhất là ND phải kiếm sống bằng nghề đã học. Bởi vậy, trong quá trình tổ chức dạy nghề NNCNC, trung tâm xác định dạy nghề phải gắn với vùng nhiên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau mỗi lớp học nghề, trung tâm thường kết nối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã đến nói chuyện với người dân, vừa là để tìm đầu ra cho sản phẩm của họ, vừa là để tăng sự liên kết của các bên (nhà nông – nhà nước- nhà kho học – nhà doanh nghiệp). “Điều đầu tiên khi dạy nghề NNCNC là trung tâm phải cập nhật tài liệu, tiến bộ kỹ thuật, thị trường để khi dạy kỹ thuật không lạc hậu, sản phẩm làm ra còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường” – bà Hạnh nói.

 

Hiện nay trung tâm đã xúc tiến thành lập 2 HTX là HTX Nông nghiệp Phước Lộc tiêu thụ rau cho bà con và HTX Dịch vụ Khải Hoàn sản xuất cà phê ngay trên các địa bàn vừa dạy nghề. Cùng với đó, trung tâm thường xuyên theo dõi và đánh giá kết quả sau học nghề. Trong trường hợp việc sản xuất của bà con ở vùng dạy nghề mà kém, chưa hiệu quả, có khó khăn gì là trung tâm sẽ tìm nguồn vốn hỗ trợ.

“Bắt tay” với doanh nghiệp

Quan điểm
 
Ông Ngô Hữu Hay – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng
 Đây là một mô hình dạy nghề NNCNC hoàn thiện, chất lượng nhất trên địa bàn. Bởi Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt không chỉ làm tốt công tác dạy, học nghề mà đơn vị còn làm rất tốt khâu kết nối, hỗ trợ nông dân làm nghề, tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm cho học viên hậu học nghề.  
Mô hình liên kết này, không hẹn mà gặp, được triển khai ở nhiều địa phương. Ông Nguyễn Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình cho biết: Thái Bình có đến 70% ND làm nông nghiệp, hơn 300 hợp tác xã và khoảng 2.000 thôn, làng tham gia học nghề. “Trong năm qua, trường cũng tập trung đẩy mạnh những ngành chủ đạo, chủ yếu vẫn là nhóm ngành nông nghiệp như bảo vệ thực vật, trồng trọt, chăn nuôi”- ông Lượng nói. Để thúc đẩy sản xuất và tạo đầu ra cho sản phẩm của ND, Thái Bình thực hiện liên kết các hộ sản xuất thành HTX và đẩy mạnh cho vay vốn, tạo vùng sản xuất. Ông Lượng cho rằng đó chính là cách lo “đầu ra” cho nghề nông nghiệp bền vững nhất.

 

Với các nghề phi nông nghiệp, vấn đề tạo việc làm có áp lực gay gắt hơn, vì thế việc liên kết với doanh nghiệp là yêu cầu đầu tiên khi mở lớp. Ông Nguyễn Thọ Ngà – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành (Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp và cam kết 100% các em sau tốt nghiệp được nhà trường giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập khởi điểm 4 – 5 triệu đồng/người/tháng”.

Thầy Trần Danh Tuyển - giáo viên lớp công nghệ ô tô nêu thực tế, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thành và TP.Vinh rất cần lao động có kỹ thuật và tay nghề cao nên nếu theo học những nghề này cơ hội việc làm của các em rất lớn và lương khá hơn. “Học viên sẽ được học nghề chủ yếu vẫn là dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc. Học kiểu như vậy các em nhớ rất lâu, tay nghề vững nên cạnh tranh ngang ngửa với các thợ có nghề”.

Theo: danviet.vn